Cung cấp thiết bị với giá rẻ đã giúp Huawei dẫn đầu trong công nghệ 5G, nhưng tập đoàn này đang đối mặt với hàng loạt hạn chế thương mại của Mỹ, khiến các nhà phân tích ở châu Âu cho rằng có thể ảnh hưởng đến khả năng của Huawei trong việc cung cấp thiết bị đáng tin cậy.
Ở London, một thập kỷ xây dựng quan hệ làm ăn nồng ấm với Trung Quốc đã bị thay thế bằng sự hoài nghi gia tăng, gần đây nhất là tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong.
Dù Thủ tướng Anh Boris Johnson xoa dịu chính phủ Trung Quốc rằng Anh vẫn có lợi ích khi duy trì quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Quốc hội Anh, dưới sự kiểm soát của đảng Bảo thủ của ông Johnson, dọa sẽ gạt bỏ bất kỳ kế hoạch nào của chính phủ nhằm cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này.
Báo chí Anh cuối tuần qua đưa tin Trung tâm an ninh mạng quốc gia của GCHQ, cơ quan tình báo của chính phủ Anh, đã kết luận rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn Huawei dùng công nghệ sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tác động nghiêm trọng lên khả năng của Huawei trong việc cung cấp thiết bị đáng tin cậy.
Một báo cáo cáo dự kiến sẽ được trình lên Thủ tướng Johnson trong tuần này, và Hội đồng an ninh quốc gia Anh do Thủ tướng đứng đầu sẽ phê chuẩn một sự thay đổi chính sách trong vòng 2 tuần tới nhằm cấm việc mua bất kỳ thiết bị mới nào của Huawei cho đến cuối năm nay.
Điều đó sẽ khiến công nghệ của Huawei bị loại khỏi các bộ phận hiện có của mạng 5G cho đến năm 2026 hoặc 2027, báo The Sunday Times đưa tin.
Ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, thúc giục ông Johnson sớm có hành động với Huawei.
“Huawei cần bị loại khỏi hệ thống của chúng ta trước cuộc bầu cử năm 2025, vì nếu bạn không dùng Huawei, bạn cần phải cạnh tranh với họ”, ông Smith nói.
Nếu London quyết định cấm Huawei và quay lại chính sách ban đầu của ông Jonhson rằng sẽ chỉ cho phép tập đoàn này cung cấp tối đa 35% các thiết bị 5G không nhạy cảm, Đức sẽ là nước cảm nhận sức nóng nhiều nhất.
Dù các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ quan điểm không cấm Huawei, nhưng chính phủ Đức dự kiến trong tháng 9 tới sẽ ban hành những quy định về việc sử dụng thiết bị cho mạng 5G của nước này.
Mỹ dọa sẽ dừng chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu Berlin cho phép Huawei phát triển mạng 5G.
Trong nhiều tháng qua, Berlin cưỡng lại sức ép của Washington về việc phải cấm cửa Huawei hoàn toàn.
“Nếu Anh thực hiện kế hoạch loại bỏ Huawei, điều đó sẽ có tác động đáng kể lên cuộc tranh luận ở Đức, đặc biệt là những tranh luận về an ninh và độc lập cũng như khả năng của Huawei trong việc cung cấp thiết bị đáng tin cậy khi bị Mỹ hạn chế thương mại”, SCMP dẫn lời bà Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng đối ngoại châu Âu.
Năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Đức dọa trả đũa Berlin bằng cách nhắm vào các hãng xe hơi đang làm ăn ở Trung Quốc nếu Huawei bị loại khỏi dự án cung cấp thiết bị 5G.
Tại Pháp, cơ quan an ninh mạng ANSSI loại bỏ khả năng cấm Huawei hoàn toàn. “Sẽ không có một lệnh cấm hoàn toàn. Nhưng với những nhà mạng hiện chưa dùng thiết bị của Huawei, chúng tôi khuyên họ không mua nữa”, Guillaume Poupard, giám đốc ANSSI, nói với báo Les Echos.
Quyết định này có vai trò quan trọng với 4 nhà mạng của Pháp. Hạ tầng của Bouygues Telecom và SFR, chiếm một nửa thị phần mạng di động của Pháp, được xây dựng bởi tập đoàn Trung Quốc. Ông Poupard nói rằng hai nhà mạng này sẽ được dùng công nghệ của Huawei trong “3 đến 8 năm nữa”.
Orange, hãng viễn thông nhà nước của Pháp, đã chọn các đối thủ của Huawei là Nokia và Ericsson làm đối tác phát triển mạng 5G cho họ.