‘Hốt bạc’ từ bán hàng hiệu cho người ‘cõi âm’
> Làng Đông Hồ nhộn nhịp sản xuất hàng mã
Không quảng cáo, không tiếp thị, hàng hóa sản xuất không cần qua khâu kiểm tra chất lượng, không sợ vi phạm bản quyền…nhưng các loại hàng mã luôn bán chạy và cháy hàng trong dịp lễ lớn. Giá cả không quan trọng, điều duy nhất người mua cần là… giống như thật.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, những ngày này, thị trường hàng mã nhộn nhịp. Thu hút nhiều khách nhất là những mặt hàng sành điệu như: nhà lầu, xe hơi, điện thoại…Cũng từ những tín ngưỡng này mà chợ “cõi âm” được hình thành tại một số ở Sài Gòn. Không phát triển rầm rộnhững các chợ khác mà chợ “cõi âm” co cụm lại thành từng khu vực, nhiều nhất là ở chợ Thiếc, chợ Bình Tây, một đoạn trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)…
Dù chỉ là đồ mua về để đốt nhưng tất cả những mặt hàng này đều được gắn các thương hiệu nổi tiếng như túi xách LV, giày Gucci, laptop Apple, ô tô Mayback…Vài mảnh giấy ghép lại nhưng khi gắn mác hàng hiệu vào, giá của những sản phẩm này cũng được nâng tầm. Một chiếc xe máy Dream giá 90.000 đồng, xe SH có giá 120.000 đồng, ô tô 4 chỗ loại thường giá 150.000 – 250.000 đồng, ô tô Roll-Royce giá trên 300.000 đồng…trong đó có những chiếc nhà lầu bắng giấy giá trị lên đến hàng triệu đồng.
Từ các mặt hàng mã thông dụng nhất trong đời sống hàng ngày nhưng hầu hết các chủ hiệu buôn bán loại hàng này đều “găm”, không tiết lộ nơi nhập hàng về nhằm “độc quyền” mẫu mã sản phẩm. Chủ một tiệm vàng mã thổ lộ trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, chính bà cũng không biết nơi sản xuất ra các mặt hàng này mà chỉ là đại lý cấp 2. Sau khi có đơn đặt hàng thì bà sẽ gọi điện cho đại lý cấp 1 (ở khu vực chợ Thiếc) để nơi đây liên lạc trực tiếp với nhà sản xuất và sau đó báo giá, cùng ngày nhận hàng.
Mỗi cấp trung gian như vậy, giá tăng lên khoảng 30% nhưng điều đó cũng không làm cho khách hàng băn khoăn vì chỉ cần giống như thật là được. Những người kinh doanh chỉ cho biết những hộ sản xuất hàng mã tập trung ở quận Gò Vấp và quận 12.
Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi tìm đên khu vực chợ Thiếc, tuy nhiên, không chủ cửa hàng vàng mã nào nói ra nơi sản xuất. Ông Vũ Quang Tự - Chủ một chủ tiệm bán sỉ hàng mã tiết lộ, năm ngoái có một người ở Bến Tre đã lên gom hết tất cả các mặt hàng bị rách, hư hỏng với giá khá rẻ nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, cũng chính người này trở lại chào bán các mặt hàng tương tự và từ đó trở thành nhà cung cấp thường xuyên, cạnh tranh trực tiếp với mối hàng của ông trước đó.
Theo ông Tự, một số khách hàng có những ý tưởng rất kỳ quặc. Có dạo một bà độ tuổi trung niên đi xe hơi sang trọng đến đặt một chiếc tàu thủy dài hơn 6m và một chiếc xe Honda @ có kích thước bằng chiếc xe thật. Bà cho biết, con bà là sinh viên Trường Đại học Hàng hải, trong một lần đi chơi cùng bạn bè bị tử vong vì tai nạn giao thông. Nay bà muốn cho con chiếc tàu thủy để con thỏa nguyện lúc còn sống và một chiếc xe để ở dưới âm phủ người con có phương tiện đi lại. Giá trọn gói cho 2 mặt hàng này gần chục triệu đồng.
Trong dịp lễ Vu Lan này được xem như là “mùa” làm ăn của những người kinh doanh vàng mã. Ngay từ đầu tháng 6 âm lịch, các điểm kinh doanh đã phải chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng. Chỉ vào chiếc nhà lầu 3 tầng có ga ra ô tô, vườn hoa, hồ bơi, bà Quách Tọa (bán vàng mã trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5) cho biết, giá của sản phẩm này là 1,1 triệu đồng. “Mấy ngày lễ thì nâng giá được, mặt hàng nào nhiều người mua thì tự tăng giá lên không cần theo quy luật gì cả. Thông thường ít ai trả giá vàng mã lắm vì kì kèo trả giá họ sợ không thành tâm, không thiêng” – Bà Tọa kể.
Tiếp cận với Quốc, một người chuyên bỏ mối vàng mã cho các sạp hàng tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) được biết, giá của một sản phẩm vàng mã “hàng hiệu” cao nhất khi xuất xưởng cũng chỉ là 120.000 ngàn đồng. “Như cái nhà lầu 3 tầng chỗ tụi em đưa ra bên ngoài chỉ với giá khoảng 100.000 đồng, trong đó tiền vật liệu vào khoảng 40.000 ngàn đồng còn họ bán giá bao nhiêu là chuyện của họ. Nhiều khi điểm bán vàng mã lợi dụng ngày lễ hoặc tâm lý người mua để hét giá” - Quốc chia sẻ.
Hàng năm, theo thống kê chưa đầy đủ đã có hàng chục tấn giấy và các phụ liệu, hàng ngàn ngày công lao động để có những sản phẩm có giá trị để rồi sau đó tan theo mây khói.
Theo Phúc Yên
Dân Trí