> Tô mì Quảng lớn nhất Việt Nam
Không phủ sóng toàn quốc như phở Hà Nội, bún Huế, nhưng ở Quảng Nam - Đà Nẵng thì món mỳ Quảng chiếm lĩnh thị phần. Món này được người xứ Quảng trân quý, xem như hồn cốt của nghệ thuật ẩm thực, là hương vị quê nhà.
Món mỳ dân dã, mộc mạc đã gắn bó với người Quảng Nam từ thời mở cõi. Nguyên liệu chủ lực là hạt gạo quê thơm ngon, sau xay giã giần sàng thì cho vào cối xay thành bột và tráng thành những lá bánh trắng nõn như bánh phở. Gà thì nuôi trong nhà.
Cá, tôm đánh bắt ngoài ao, ngoài ruộng. Rau xanh, ớt tươi, gia vị có sẵn ở trong vườn. Từ cây nhà lá vườn người dân xứ Quảng chế tác ra món mỳ thơm ngon, mang hương vị đậm đà của miền thôn dã.
Mỳ Quảng có nhiều loại phổ biến như: Mỳ gà, mỳ bò, mỳ tôm - thịt heo, mỳ tôm - trứng, mỳ cá lóc. Ở mỗi địa phương món mỳ này có một hương vị và thế mạnh riêng, tuỳ theo lợi thế của vùng nguyên liệu.
Vùng Thanh Chiêm, thuộc huyện Điện Bàn, và ở huyện Núi Thành có nhiều mỳ tôm. Vùng Túy Loan, ven quốc lộ 14B, thuộc huyện Hòa Vang, mì gà và mỳ bò là đặc sản. Ở Đà Nẵng mỳ cá lóc rất nhiều và ngon.
Bây giờ mỳ gà và mỳ cá lóc được thực khách lựa chọn nhiều hơn. Gà phải là gà ta. Gà lóc thịt, ướp gia vị thật kỹ rồi xào thật thấm. Xương, đầu, cổ cánh thì cho vào nồi hầm lấy nước dùng.
Món mỳ cá lóc xuất hiện muộn hơn, được đánh giá như là một sáng tạo mới của các nhà hàng ở phố xá, thị thành, khi người ta có xu hướng lựa chọn cá cho bữa ăn của mình nhiều hơn là chọn thịt.
Cá lóc cắt lát nhỏ, ướp mắm muối, tiêu, hành, ớt, nghệ, um thật thấm. Xương và đầu cá người ta giã nhỏ hầm kỹ, lọc bỏ xác, lấy nước làm nước dùng. Có nhà hàng người ta làm riêng ruột cá lóc, bán theo bộ cho khách sành ăn.
Ăn mỳ Quảng không thể thiếu rau sống. Có thể là một hỗn hợp trộn đều gồm: Bắp chuối xắt mỏng, rau muống chẻ, rau má, giá, xà lách, diếp cá, bạc hà, húng, quế…
Mốt mới là độc vị rau cải con non xanh, vừa mới ra đủ ba lá. Dù thịt, hay tôm, cá đã thấm tháp gia vị nhưng khi ăn mỳ Quảng không thể thiếu tương ớt và ớt trái xanh còn nghe mùi hăng hăng.
Dù lượng tinh bột đã đủ đầy nhưng mỳ Quảng phải ăn kèm với bánh tráng nướng mới ngon.
Một số nhà hàng thay thế bánh tráng bằng phồng tôm. Sau khi cho mỳ vào tô, rải một lớp thịt, hoặc cá, rắc một ít đậu phụng rang, hành lá, hành phi, chan nước dùng vào là ta có một tô mỳ cuốn hút mọi giác quan: vừa ngon mắt vừa ngon miệng, và vui tai khi cắn miếng bánh tráng nướng giòn tan.
Khác với phở hay bún bò có vẻ thanh cảnh, mỳ Quảng vốn là món ăn no, ăn thay cơm của người dân xứ Quảng. Và phải ăn nhanh.
Ăn chậm sẽ bị nguội, do tô mỳ lớn, nhiều rau, mà nước dùng thì chỉ rưới vừa sin sít, không chan đầy như nước phở, nước bún. Vả lại, để nguội tô mỳ sẽ mất hương vị đặc trưng.
Nghệ thuật ẩm thực ngày càng thăng hoa đã sản sinh ra những nhà hàng mỳ Quảng cao cấp, nâng giá tô mỳ từ bình dân lên vương giả.
Mỳ Quảng bây giờ không còn xa lạ với thực khách mọi miền, nhưng tìm cho mình một nhà hàng vừa ý, tô mỳ còn giữ được hương vị chính hiệu, hợp khẩu vị, cũng không phải dễ.