Hơn 50 quốc gia vừa ký cam kết du lịch xanh

TPO - Hơn 50 quốc gia trên thế giới vừa ký cam kết thúc đẩy du lịch toàn cầu thân thiện, chống biến đổi khí hậu với Liên Hợp Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Azerbaijan.

Reuters cho biết, cam kết trên được ký ngày 20/11, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29).

Theo bà Zoritsa Urosevic - Giám đốc điều hành Du lịch của Liên Hợp Quốc (UN), ngành du lịch chiếm 3% GDP toàn cầu và là nguồn phát thải 8,8% khí thải nhà kính. Tại COP29, lần đầu tiên UN đưa du lịch vào chương trình hành động của hội nghị về chống biến đổi khí hậu.

Hơn 50 nước ký cam kết du lịch xanh để chống biến đổi khí hậu tại COP29. Ảnh: Ross Sneddon.

Tại COP29, các quốc gia cũng đưa ra cam kết NDC - đóng góp do quốc gia tự quyết định. Được biết, bản NDC cập nhật tiếp theo bao gồm các chính sách giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ công bố vào tháng 2 sắp tới.

Theo Reuters, du lịch thường chiếm một phần lớn trong doanh thu ngoại tệ của các chính phủ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Du lịch cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu như bão, nắng nóng và hạn hán.

Do đó, các cam kết tại COP29 còn đi kèm với một số sáng kiến khác. Điển hình như sáng kiến của Liên minh khách sạn bền vững thế giới (WSHA), đại diện cho 55.000 khách sạn với hơn 7 triệu phòng gồm những tên tuổi lớn như Accor, Hilton và Marriott.

WSHA chia sẻ khung hành động của họ nhằm đo lường và báo cáo dữ liệu gồm lượng khí thải nhà kính, mức tiêu thụ nước, chất thải và mức sử dụng năng lượng trên toàn ngành.

Một góc nhìn cho thấy địa điểm diễn ra Hội nghị COP29, tại Baku, Azerbaijan. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành WSHA là Glenn Mandziuk cho biết dữ liệu sẽ giúp ngành du lịch và du khách hiểu được tác động của họ tới khí hậu.

AP Express cho biết, hồi tháng 10 các chuyên gia tại QR Code Generator đã chỉ ra, những thành phố nghỉ dưỡng thu hút càng nhiều khách du lịch trên thế giới, thì càng có chất lượng không khí tồi tệ.

Theo đó, Paris - Pháp nhận được trung bình 185.633 lượt tìm kiếm điểm nghỉ ngơi trong thành phố mỗi tháng, mặc dù giao thông đi lại khiến mức độ ô nhiễm trong khu vực cực kỳ nghiêm trọng.

Tiếp đến là Chicago - Mỹ. Sân bay quốc tế Chicago O'Hare là một trong những sân bay bận rộn nhất tại Mỹ, góp phần gây ô nhiễm có hại cho thành phố. Tuy nhiên, thành phố này vẫn hấp dẫn du khách khi thu hút được 130.968 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng.

Paris được đánh giá là địa điểm du lịch có chất lượng không khí tồi tệ. Ảnh: Getty.

Benidorm và Barcelona - Tây Ban Nha là hai thành phố khác cũng bị ô nhiễm giao thông, nhưng điều này không ngăn cản được khách du lịch, những người đã tạo ra 101.775 và 114.431 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng về các kỳ nghỉ.

Mới đây, ANI cũng thông tin việc gần 400 chuyến bay bị hoãn, đền Taj Mahal - kỳ quan thế giới ở Ấn Độ bị che phủ nhiều ngày vì khói bụi ô nhiễm, đang khiến du khách và người dân nước này vô cùng phẫn nộ.

COP29 diễn ra từ 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan. Trong đó, hội nghị thảo luận về tài chính khí hậu, đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC giai đoạn 2025-2035 và mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Reuters, AP, Express