Hơn 50% người cao tuổi đối mặt với căn bệnh 'sát thủ' tắc động mạch chủ bụng

TPO - Ngày 25/9, TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, tại đây vừa liên tiếp can thiệp cho 2 trường hợp bị tắc động mạch, hoại tử chi. Đây là bệnh lý nguy hiểm, ước tính khoảng 50% người cao tuổi có nguy cơ mắc phải nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Văn T. (60 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) nhập viện vì đau, tê chân cách hồi vùng đùi, cẳng bàn chân 2 bên. Ngón chân út trên bàn trái của bệnh nhân bị hoại tử. Trao đổi với phóng viên, ông T. cho biết khoảng một tháng trước, ông đi khám ở bệnh viện địa phương và được chẩn đoán bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc theo toa của bác sĩ, tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Văn B. (70 tuổi) đến bệnh viện trong tình trạng hai chân nhức mỏi, vận động khó khăn. Bệnh nhân thường đối mặt với những cơn đau vùng hông và đùi. Trước đó ông B. đã đi khám ở nhiều cơ sở y tế, được chẩn đoán bị bệnh lý thần kinh hoặc bệnh lý cơ xương khớp nhưng điều trị đều không mang lại kết quả.

Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất can thiệp tái thông mạch máu cho người bệnh (ảnh: BVCC)

TS.BS. Nguyễn Duy Tân cho biết, qua thăm khám kiểm tra hình ảnh cho thấy, hai bệnh nhân đều bị tắc động mạch chủ bụng. Đây là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Bệnh lý trên có tỷ lệ mắc rất cao, tập trung ở nhóm những người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) với nguy cơ mắc bệnh chiếm khoảng 50%, người càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Nguyên nhân của tình trạng tắc mạch máu là do xơ vữa mạch máu, hẹp mạch máu. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường lẫn lộn với các bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết (tiểu đường) nên người bệnh dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán không chính xác dẫn tới nhập viện trễ. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ khiến chân teo, nhiễm trùng, hoại tử, nguy cơ nhiễm độc, sốt, suy thận, suy đa cơ quan đe dọa tính mạng.

TS.BS.Tân cho biết, trước đây bệnh nhân bị tắc động mạch chủ bụng cần phải phẫu thuật mổ mở để can thiệp. Cuộc “đại phẫu” không chỉ khiến người bệnh tốn kém về chi phí mà còn xâm lấn các cơ quan khác khiến thời gian điều trị kéo dài, tỷ lệ thành công thấp. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học phương pháp can thiệp mạch máu ít xâm lấn lấy máu đông, đặt stent tái thông mạch máu giúp người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn ngay sau can thiệp, tỷ lệ thành công trên 90%.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện bất thường như nêu trên, bệnh nhân và cả nhân viên y tế cần nghĩ đến bệnh lý mạch máu. Tình trạng tắc mạch có thể dễ dàng phát hiện qua siêu âm. Do đó, ngoài khám cơ xương khớp người bệnh nên đi khám và cần được nhân viên y tế chỉ định khám mạch máu.

Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu nói chung và tắc động mạch chủ bụng nói riêng, cộng đồng cần kiểm soát được đường huyết, mỡ máu, uric… bằng chế độ ăn uống cần thiên về rau củ quả, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.