Ngày 16/10, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, Trường Đại học Văn Lang tổ chức “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục”.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.
“Tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỷ USD. Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước”, ông Phúc dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. “Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống, đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam”, ông Phúc nói.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), Việt Nam có số lượng lớn dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao. "Hiện nay, có trên 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chất lượng cao này còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế. Điều này cho thấy nhu cầu về việc xây dựng các chương trình giáo dục quốc tế có chất lượng cao tại Việt Nam là rất lớn" - ông Hưng nhấn mạnh.