21 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng
Tính đến 18h ngày 23/12: Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.
Tính từ 18h ngày 22/12 đến 18h ngày 23/12: 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Hôm nay là tròn 3 tuần, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Riêng Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. TP Hồ Chí Minh cũng trải qua 21 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.341, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 187
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.038
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.116.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.281 bệnh nhân/ 1.421 bệnh nhân COVID-19
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 6 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 10 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Lên phương án chuẩn bị cho tình huống xấu, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 4 nội dung về công tác phòng chống dịch các địa phương phải đôn đốc triển khai từ nay đến cuối năm. bao gồm:
Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.
"Hằng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Đó là điều rất quan ngại. Do đó đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên hết sức quan tâm. Chúng ta duy trì từ Tết năm 2020 đến nay là 1.600 điểm chốt ở các vùng biên, tới đây tiếp tục tăng cường quân để bảo đảm chốt chặn"- Bộ trưởng đề nghị.
Với Ban chỉ đạo các địa phương có biên giới cần quan tâm, bảo vệ phên dậu, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam. Nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường triệt để trong quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) thì chỉ được cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.
Nhấn mạnh thêm một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chỉ đạo quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Thời điểm này nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm hết.
Tiếp đến, Bộ trưởng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch, phải chuẩn bị cho tình huống xấu bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu, vào lúc nào nên các địa phương phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, lên kế hoạch, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có COVID-19, phải khoanh vùng hay gia tăng người bệnh…
Cuối cùng, Tư lệnh ngành y nhấn mạnh: Việt Nam vẫn tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K. Với cơ sở y tế, từ nay đến cuối năm cần đặt đây là ưu tiên trọng tâm, đưa công tác phòng chống dịch lên mức cao nhất. Phải chú trọng xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ lọt những ca bệnh nghi ngờ.