Hollande và “di sản” của Sarkozy

TP - Cho đến thời điểm bài báo này hoàn tất, cuộc“thi đấu” tranh chiếc ghế tổng thống Pháp giữa hai ứng cử viên Francois Hollande của đảng Xã hội và đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy chưa ngã ngũ.

> Ông Sarkozy và hy vọng mong manh cuối cùng

Nhưng ngay từ thời điểm đó, có thể nói gần như chắc chắn rằng nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu sẽ có một gương mặt lãnh đạo mới. Nước Pháp đang cần lắm một thay đổi, dù đó có thể là ông Hollande hay người khác.

Bởi Pháp đang trải qua giai đoạn khó khăn: kinh tế trì trệ, nợ công tăng cao, thất nghiệp… Dù suy cho cùng, đó chưa hẳn hoàn toàn do “công tác chỉ đạo điều hành” của Tổng thống Sarkozy vì đây là tình trạng của toàn châu Âu.

Chỉ có điều, “tuần trăng mật” của ông Hollande sẽ sớm kết thúc với những gì được coi là “di sản” của ông Sarkozy, một tổng thống với 5 năm cầm quyền đầy ồn ào, cùng những chuyện “đàn ca tài tử” với bà vợ người mẫu - ca sỹ Carla Bruni.

Trước mắt ông Hollande, một người cánh tả, là những quyết định đầy khó khăn và phức tạp để lèo lái nền kinh tế Pháp và chắc chắn được dõi theo chặt chẽ từ Phủ Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel, khi Đức và Pháp đang nắm giữ vai trò đầu tàu đưa châu Âu ra khỏi vùng nguy hiểm của sự trì trệ và suy thoái.

Chắc chắn, ông Hollande sẽ có một vài màn “chào sân” với những động thái kích thích nền kinh tế quốc nội, nhưng thật khó mà thoát ly tình trạng trì trệ của toàn lục địa già. Ứng cử viên của đảng Xã hội tuyên bố nếu trúng cử sẽ tạo ra ít nhất 60.000 chỗ làm trong ngành giáo dục, một điều dường như không thể trong bối cảnh suy thoái. Và xu hướng tăng cường bảo hộ để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất Pháp của ông Hollande cũng sẽ vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong khối.

Chưa rõ ông Hollande sẽ ưu tiên cái gì, cải thiện hệ thống tài chính toàn khối, một lĩnh vực đang được xem là lạc hậu, nhiều lỗ hổng, hay gia cố hệ thống hàng rào bảo vệ. Bởi với vế thứ nhất, ông có thể được lòng lãnh đạo các quốc gia trong khối, nhưng sẽ không đáp ứng kỳ vọng của cử tri, khi họ cần thấy có thay đổi mang lại những điều sát sườn với “nồi cơm” của gia đình họ.

Nhưng chính ông Hollande cũng thẳng thừng tuyên chiến với giới tài chính - ngân hàng khi theo ông, cơ chế hiện tại đang tạo ra những “con cá mập” trên thị trường, chỉ chăm chăm đầu cơ thu lợi chứ không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp cho nền kinh tế.

Tuy vậy, tư tưởng thiên tả của ông Hollande trong việc “điều hòa” bớt chính sách thắt lưng buộc bụng mà gần như toàn châu Âu đang áp dụng trong lúc các quốc gia EU hầu như đều bội chi ngân sách có thể khiến Pháp chìm sâu hơn vào nợ công, như trường hợp Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ý, cho dù có thể ông sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là người nghèo.

Nhưng cũng có những nhà quan sát nhận định rằng, để thắng cử, giống như trong binh pháp mà Tào Tháo của “Tam quốc diễn nghĩa” từng nói, là trong quân cơ có thể “nói dối vô tội vạ”, miễn là được việc. Mà việc này thì không thiếu tiền lệ, nhất là trên chính trường.

Theo Báo giấy