Là phó hiệu trưởng 1 trường THCS ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thịnh chia sẻ, năm nay khó khăn nhất đối với giáo viên dạy các bộ môn lớp 9 vì chưa biết kế hoạch thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Theo bà Thịnh, học sinh sẽ phải chờ bắt thăm trong các bộ môn để thi ngoài hai môn toán - văn. Nếu đến 31 tháng 3 sở mới công bố khi đó chỉ còn hơn 2 tháng để ôn thi thực sự vất vả bởi với những trường 1 khối có nhiều lớp 9 mà chỉ có 1 giáo viên chuyên biệt. Giả sử 1 bộ môn nào đó thì sẽ không đủ về mặt thời gian, còn nếu chia ra để được ôn tập ngay từ đầu năm học thì học sinh phải học dàn trải.
Với nhà trường, bà Thịnh cho rằng, một khó khăn nữa là năm nay, điều kiện về trang thiết bị hiện nay chưa được cấp cho các khối 7,8,9 nên với những bài có thí nghiệm ( nhất là khoa học tự nhiên) giáo viên phải cho học sinh xem video.
Mặt khác, môn tích hợp vẫn gây khó cho giáo viên. Một giáo viên không thể hiểu biết sâu được ở cả 3 lĩnh vực. Vì vậy trên thực tế, ba giáo viên dạy khoa học tự nhiên chứ không phải một người dạy. Trong khi đó, các môn tích hợp ở THCS, lên THPT lại là các môn tự chọn.
“Vì vậy, các nhà trường hầu hết phân công gv dạy cả môn tích hợp ở lớp 6,7 còn lên lớp 8, 9 phải phân công giáo viên chuyên biệt mới đảm bảo được chuyên môn”- bà Thịnh nói.
“Tôi cho rằng, giá như sự tinh túy của cả 3 bộ sách viết chung lại thành một bộ sách giáo khoa thống nhất cả nước sẽ tiết kiệm được chi phí in ấn, dùng được nhiều năm. Chưa kể đến việc nếu một học sinh vì điều kiện nào đó phải chuyển giữa năm học lại phải mua bộ sách giáo khoa khác (nếu trường chuyển đến học bộ sách giáo khoa khác), kiến thức cũng bị lệch nhau vì sách này dạy kiến thức A trước, B sau và ngược lại”- Bà Thịnh nhấn mạnh.
Giáo viên lo ngay ngáy
Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên dạy Hóa- Sinh của trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, năm học mới này, giáo viên vẫn gặp khó trong việc dạy tích hợp.
Năm nay, dù việc dạy quen hơn và đỡ áp lực hơn nhưng cô thấy vì đảm nhận dạy 2 môn Hóa- Sinh cho học sinh lớp 9 nên thấy nhiệm vụ dạy rất nặng nề.
Theo lịch phân công của nhà trường, cô sẽ dạy 12 tuần đầu môn Hóa cho học sinh lớp 8 xong sau đó dạy tiếp môn Hóa- Sinh cho học sinh lớp 9.
“Cả trường tôi có 2 thầy cô có đủ chuyên môn dạy cả hai môn là Hóa- Sinh nên phải đảm nhận dạy cả học sinh lớp 8 và lớp 9. Riêng trường đều ưu tiên cho học sinh lớp 9, đề phòng thi vào 10 nên phải dạy cẩn thận ngay từ đầu vì nếu dạy kiến thức nông choèn choèn sau nếu là môn phải thi thì học sinh không thi nổi”- cô Dung chia sẻ.
“Thực tế dạy tích hợp rất vất lắm, có những người chỉ có một hoặc 2 chuyên môn thì dạy sâu, dạy sát được chứ không phải môn chuyên của mình thì dạy ở học sinh kiến thức cơ bản thôi. Điều này về kiến thức sẽ rất thiệt cho học sinh”- cô Dung chia sẻ.
Cũng theo cô Dung, giáo viên có nghỉ hè nhưng thực sự vẫn phải soạn giáo án, đọc sách. Vì nếu giáo viên dạy tích hợp mà không chăm, không đọc thì vào năm học không dạy học sinh được.
“Vào tiết là môn của mình thì còn đỡ chứ dạy không phải phân môn chính của mình thì giáo viên lo ngay ngáy. Có thời điểm, giáo viên chúng tôi phải họp với nhau qua zoom, giảng bài cho nhau nghe, thậm chí, giáo viên phải làm bài tập như học sinh, hiểu tự làm bài, tìm bài giảng trên mạng tự đọc, tự suy ngẫm,...
Giáo viên vui mừng vì sự “cởi trói” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn rộng mở và cũng đừng hoang mang hay định kiến về các vấn đề dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông cũng như chương trình giáo dục 2018 (GDPT 2018). Nhiều năm qua, chúng ta luôn dành cho lịch sử một vị trí, một tình yêu đối với môn học này, cả sự quan tâm về “số phận”của môn học này qua các sự kiện đổi mới của chương trình GDPT 2018.
“Chúng ta hãy vui và mừng hơn vì sự “cởi trói” của chương trình GDPT 2018 đã mang lại diện mạo mới và hơi thở mới cho lịch sử với tư cách là môn học. Không bó hẹp trong một quyển sách giáo khoa, không áp đặt phương pháp và nội dung giảng dạy cứng nhắc, không ép khuôn mẫu trong kiểm tra và đánh giá kết quả học tập mà đã đa dạng hoá từ sách giáo khoa, chương trình, phương pháp giảng dạy và đo lường, đánh giá kết quả học tập”- cô Thảo nhận xét.
Điều này góp phần làm nên những sản phẩm đa phương tiện, cho phép người học được tiếp cận và sáng tạo nhiều hơn về các góc nhìn, cách tiếp cận về lịch sử, làm cho lịch sử sống động, phong phú và nhiều góc nhìn và từ đó có những nhìn nhận, đánh giá hay nhận thức về lịch sử một cách toàn diện và khách quan hơn.
“Tôi đón nhận tất cả quan điểm, ý kiến phản biện, tranh luận một cách cởi mở và học hỏi ngược trở lại chính học trò của mình. Điều này mang lại giá trị tích cực cho giáo dục mà ở đó cả cô và trò đều cùng thắng lợi (win – win). Đây cũng là quan điểm cốt lõi mà CTGDPT 2018 hướng đến đó là dạy và học theo hướng phát huy năng lực của người học. Nhờ đó mà mục tiêu giáo dục đạt được một cách dễ dàng mà không có sự áp đặt nào”- cô Thảo nhấn mạnh.