Hội FA vượt thoát Noel

TP - Forever Alone (FA) - những người độc thân, trước Noel cả tuần đã rủ nhau lập bang hội để “sống sót” qua những ngày phải mở to mắt nhìn một nửa thiên hạ có người yêu.
Làm từ thiện trong những ngày lễ tết là lựa chọn của nhiều FA. Ảnh: Đức Thuận - Hồng Hoa.

“Xin phép hết cô đơn”

Ngay từ đầu tháng 12, hàng chục sự kiện lớn nhỏ nhắm đến đối tượng là người độc thân trong lễ Noel đã khởi động rầm rộ. Những người độc thân sáng giá trở thành đối tượng được săn đón. Một nữ nhà văn ăn khách than phiền: “Tôi đã chuyển từ hội FA sang hội người già neo đơn thế mà các hội đoàn, sự kiện vẫn cứ gọi điện mời chào làm người đại diện, người phát ngôn các kiểu. Hội FA bình thường rất vui vẻ, mạnh mẽ, thế nhưng cứ đến những ngày như Noel, năm mới, lễ tình nhân… thì kiểu gì cũng cuống lên. Bài thơ được share (chia sẻ) nhiều nhất trong dịp này là: “Mình đem rao bán nỗi buồn/ Ba đồng một mớ, tặng luôn tim mình/ Ai ngờ phiên chợ lặng thinh/ Nỗi buồn thì ế, mình thì cô đơn”.

Lý do dân FA chạnh lòng vì thấy thiên hạ có đôi có cặp thì ít, mà đa số chịu sức ép từ bạn bè, người thân. Tôi ngại nhất thời điểm này gặp ai người ta cũng hỏi: gấu (tiếng lóng chỉ người yêu của giới trẻ) đâu, kiếm đi chứ… này khác”.

Ảnh: Đức Thuận - Hồng Hoa.

“Xin phép được cô đơn” dịp Noel 2017 là sự kiện được giới FA chào đón bởi nó đã có thâm niên một năm và khá thành công. Đây là chương trình bắt nguồn từ Speed Dating - hẹn nhanh, hẹn tốc độ… Một loại hình hẹn hò giữa một nhóm người nam và nữ được sắp xếp, và quản lý khung thời gian. Loại hình này vốn được xuất phát ở Mỹ, do cộng đồng người Do Thái sáng tạo và đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó những người tham gia chương trình sẽ được tuyển lựa ở một khung yêu cầu nhất định: độc thân, sức khỏe tốt, có công việc, có thu nhập v.v… Cũng có thể coi nó như một cuộc xem mắt tập thể. Sau năm đầu diễn ra ở Việt Nam, ban tổ chức cho biết, một số người phản hồi họ đã tìm được một nửa. Lần tổ chức thứ hai này, lượng người đăng ký tham gia đã lên gấp đôi.

Đi chơi cùng hội FA là một cách trốn cô đơn điển hình. Ảnh: Đức Thuận - Hồng Hoa.

Một cuộc vui FA khác có tên “Một ổ FA” cũng được share  tích cực. Tùng Nguyễn (BTC) chia sẻ: “vấn nạn FA ngày càng “hoành hành”, những người độc thân hô hào nhau lập chiến tuyến để vững vàng vượt qua cơn lốc Noel - khi mà trên phố người người ôm eo khoác vai, “dày vò” tâm trí. Thay vì một mình chịu trận, “Một ổ FA” tập hợp lại để cùng sát cánh bên nhau, nhằm san sẻ chút ấm áp giữa những người chung cảnh ngộ”.

Khác với “xin phép hết cô đơn”, “Một ổ FA” hướng tới mục đích giải trí vui vẻ. Một “đại nhạc hội” theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát” quy tụ những người độc thân trẻ tuổi, để vui qua một ngày mà cả thiên hạ hẹn hò.

Các chương trình chống cô đơn kiểu này đều có thu phí, trung bình 100.000-200.000đ/người bao gồm cả một suất đồ uống. Theo thống kê từ ban tổ chức, “những người trẻ lười biếng và hơi thụ động” rất thích những tiệc tùng được lên khung sẵn. Trung bình một chương trình thu hút khoảng 600-1.300 người quan tâm.

Đi để trốn cô đơn

Đặng Thị Huyền (công ty Du lịch Trẻ) cho biết: “Cứ vào những dịp lễ Tết, lượng khách hàng trẻ và độc thân của chúng tôi lại tăng đột biến. Có lẽ nhiều người cảm nhận được: mọi nỗi buồn riêng đều trở nên rất bé nếu đem nó trưng ra trước thế giới rộng lớn. Cho nên xách ba lô và đi là một cách giải quyết rất nhiều rắc rối cho FA: không còn phải ngồi thu lu ở nhà một mình, không phải nghe tra hỏi của phụ huynh, người quen, lại không cần lãng phí thời gian than thân trách phận”.

Nguyễn Quang Huy (leader tour) chia sẻ: “Từ kinh nghiệm cá nhân, đi phượt vào thời điểm đang ế, tôi tích cóp được kha khá kinh nghiệm đi những cung đường hiếm và chưa có khai thác du lịch. Sau một số người quen nhờ vả dẫn đi, dần thành công việc tay trái. Khách của tôi chủ yếu vẫn là người độc thân”. 

Hạnh Ly (30 tuổi, FA lâu năm) kể: “Đi ngoài việc để thư giãn, tìm yên tĩnh, còn là dịp để tôi sắp xếp lại đời mình. Làm việc cho một tổ chức nước ngoài nên Noel tôi cũng được nghỉ dài. Khả năng tài chính chưa cho phép tôi phượt châu Âu. Nhưng mê mải với Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… là đã thấy thỏa mãn lắm rồi. Trung Quốc hấp dẫn tôi một cách đặc biệt. Gần như năm nào cũng đi, mỗi năm một vùng mà không thấy chán. Đi nhiều đến nỗi giờ sang đấy không cần phiên dịch, có thể tự mua bán mặc cả điên đảo không sợ hớ”.

Hẹn hò trong chương trình “Xin phép hết cô đơn”. Ảnh: Đức Thuận - Hồng Hoa.

Phượng Hoa (28 tuổi, Hà Nội): “Tôi chọn cách đi khỏi Hà Nội những ngày lễ tết, là để an ủi trái tim cô đơn của mình rằng, ít nhất so với những số phận ngoài kia, tôi vẫn may mắn lắm. Đi mãi thành nghiện, quà mang cho người dân tộc và bọn trẻ con có thể chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nhìn nụ cười chất phác của họ, thấy cuộc sống này, hóa ra không có tình yêu thì cũng vẫn ổn. Mấy năm nay, hành trình của tôi không đổi. Từ tháng 11 bắt đầu hò hét quyên góp trên facebook. Gọi điện nhắc nhở người thân. Và ang áng xem tiền thưởng Tết năm nay được bao nhiêu để còn mượn mẹ ứng trước. Sau đó thì gạ gẫm ai có ô tô chở đi metro mua hàng theo lố cho rẻ. Gần Noel tôi cùng vài FA khác bắt đầu hành trình đến một bản, hoặc làng nghèo (theo tư vấn cực sát sao từ những đồng nghiệp phượt). Tùy vào tình hình tài chính, chúng tôi có cách chuẩn bị quà riêng của mình. Mấy năm gần đây, hội bắt đầu đông lên, quà chúng tôi chuẩn bị cho mọi người thường là gạo, bột ngọt, nước mắm, đường, sách vở, truyện, bút màu cho trẻ con... Trước khi ra khỏi thành phố, tôi chưa bao giờ cảm nhận được việc mình có thể chia sẻ một chút may mắn đến những người kém may mắn hơn lại mang đến nhiều niềm vui như vậy”.

FA tự cứu

Hội FA tự cứu có cả 1001 cách để đi qua mùa Noel mà không “chết vì cô đơn”. Những kinh nghiệm được chia sẻ nhiều nhất là:

“Nếu không đi ra đường cùng mọi người, tôi sẽ bắt đầu tiêu thụ một cuốn sách hay, một bộ phim tôi quan tâm, hoặc một đĩa nhạc đã thủ sẵn. Năm nào tìm được truyện dài kỳ hoặc phim bộ, thế thì thời gian để xem phải lẹm cả vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Cho nên, không có thời gian để buồn đâu”. (Docthanvuitinh)

“Tôi thường viết lách một cái gì đó coi như một thứ trị liệu tinh thần. Cảm xúc thường sẽ rất trôi chảy nếu như đặt bút vào đúng những ngày hay khiến ta chạnh lòng. Không ngờ những bài viết này được like và share rất nhiều. Có một nhà xuất bản đã đề nghị tôi in thành sách. Nghĩ theo hướng tích cực thì nếu không độc thân, chắc chắn tôi không có cuốn sách sắp tới” (Tuấn Bomb).

“Noel tôi thường đến Viện Nhi, làng trẻ SOS, làng trẻ em Hữu Nghị Vân Canh… Toàn bộ quà tặng của tôi đều là sách giảm giá mua từ những hội chợ sách trong năm. Tôi gói đẹp đẽ, cho thêm kẹo bánh, đất nặn, giấy gấp hạc, những bộ ghép hình đơn giản và kẹo Bigbabol. Sau đó tôi mặc bộ đồ ông già Noel rồi đi phát cho những đứa trẻ kém may mắn. Sau hai năm, hội của tôi đã đông thành 18 người. Chúng tôi từ việc lạch cạch xe máy tự đi, giờ có ô tô chở. Hai đôi đã làm đám cưới từ hội này”. (Nguyễn Hương Duyên, trưởng nhóm thiện nguyện Sunflower).

“Tôi đã học được công phu tự đánh mất thói quen tính tuổi cô đơn cho mình. Độc thân mãi rồi cũng chai với những thăm hỏi giục giã “lấy chồng đi chứ”. Cổ hủ như mẹ tôi mà dần dần cũng hiểu ra rằng: con gái bà vẫn ổn dù hơn băm rồi mà nó vẫn một mình.

Chả nhẽ cứ phải chờ ai đó rước mình đi, chờ mình sinh con đẻ cái, nuôi dạy nó lớn khôn… rồi mới tận hưởng cuộc sống? Một cốc vang ấm, vài thỏi chocolate và những cuộc buôn “giải cứu thế giới” là tất cả những gì tôi và đồng bọn cần để đi qua mùa Noel” (Trần Hương Thủy, 32 tuổi, Hà Nội).