Ngày 17/9, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam ký văn bản về việc phòng tránh bão số 5.
Theo đó, cho phép toàn bộ học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên nghỉ học 1 ngày (18/9) để phòng tránh bão số 5.
Các đơn vị có kế hoạch chằng chống, khơi thông máng xối trường lớp, nhà làm việc, nhà kho và các công trình xây dựng khác, đảm bảo hệ thống điện, thiết bị tài liệu, thư viện và các tài sản khác.
Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Ở những vùng trũng, thấp nơi có ảnh hưởng của lũ, Thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo quán triệt cho học sinh và phụ huynh đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất... đảm bảo an toàn đi lại và phòng chống thiệt hại xảy ra.
Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học 2 ngày
*Chiều 17/9, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho toàn thể học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học 2 ngày 18/9 và 19/9 để phòng tránh bão số 5 theo Tờ trình số 2414 ngày 17/9 của Sở GD&ĐT.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở GD&ĐT khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trường học có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bão và khắc phục hậu quả (nếu có) do cơn bão này.
Trước đó, thực hiện Công điện số 04/CĐ-PCTT của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP về việc ứng phó với bão số 5 và mưa lớn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị, trường học khẩn trương triển khai xây dựng phương án bảo vệ con người và tài sản của đơn vị, trường học.
Đặc biệt, các đơn vị, trường học lưu ý chằng chống, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên, những cây có nguy cơ gãy cành, ngã đổ; kiểm tra hệ thống quạt trần, thiết bị điện, dây điện, cáp viễn thông đảm bảo độ cao an toàn, không gây nguy hiểm khi đi lại; kiểm tra, chằng chống tường rào, cổng ngõ, trần nhà, mái nhà; che chắn phòng học, phòng làm việc và các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do mưa to, gió lớn.
Đối với các trường học trên địa bàn những nơi ngập úng, thấp trũng, những nơi có công trình, cầu cống không an toàn… có thể gây nguy hiểm cho giáo viên, nhân viên và sinh viên, học sinh, học viên, nhất là học sinh nhỏ tuổi (THCS, tiểu học, mầm non), thủ trưởng đơn vị chủ động liên lạc với phụ huynh để đưa đón học sinh đi, về an toàn; có bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm, trơn trượt, khu vực ngập nước; có phương án di dời tài sản, tài liệu đến vị trí an toàn.
Hiệu trưởng các trường cần thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin (điện thoại cố định, di động, email, tin nhắn, thông báo bằng loa đài,…) để chỉ đạo, hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên, sinh viên, học sinh, học viên và phụ huynh chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do tác động của cơn bão gây ra.