Học sinh nói gì về vấn đề nhức nhối toàn cầu: Túi nhựa dùng một lần nên bị cấm?

TPO - Bảo vệ, phản bác về sử dụng túi nhựa/ni lông dùng một lần được học sinh phổ thông tranh luận sôi nổi tại cuộc thi tranh biện Tiếng Anh theo luật Public Forum.

Ngày 9/11, tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, giải đấu tranh biện Tiếng Anh theo luật Public Forum đầu tiên tại miền Bắc - Vietnam International Public Forum Championship (VIPFC) 2024 đã diễn ra với sự tham dự của hơn 160 thí sinh đến từ 35 trường phổ thông trên cả nước.

Với chủ đề xuyên suốt các vòng đấu “Single-use plastic bags should be banned” (tạm dịch: túi nhựa dùng một lần nên bị cấm), các thí sinh sẽ tập trung phân tích những góc cạnh khác nhau của vấn đề môi trường đang nhức nhối trên toàn cầu này.

Hơn 80 đội thi của 2 bảng THCS (Silvanus) và THPT (Poseidon), đã đấu Sơ loại, Tứ kết và Bán kết để chọn ra 6 đội xuất sắc nhất bảng THCS và 2 đội bảng THPT vào chung kết.

Không chỉ cần lập luận chặt chẽ với những chứng cứ thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình, qua mỗi vòng đấu, các đội thi còn phải điều chỉnh chiến thuật và tiếp thu những góc nhìn từ đối thủ và giám khảo để bổ sung hiểu biết của mình về chủ đề, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho bài tranh biện cuối nhằm tranh giải Nhất - Nhì - Ba.

Hai đội vào chung kết bảng THPT là: đội HL, gồm: Mai Phong Hải - lớp 9 và Lê Phong Linh - lớp 8, đều thuộc trường THCS Nguyễn Trường Tộ - Hà Nội; Đội Les critiques, gồm Lê Linh Chi - lớp 10 và Nguyễn An Khánh - lớp 10, đều thuộc trường THPT Olympia - Hà Nội.

Theo đó, đội HL giành giải Quán quân; đội Les critiques giành giải Á quân.

Ở bảng THCS có tất cả 6 đội vào chung kết, chia làm 3 cặp đấu để tranh hạng Vàng - Bạc - Đồng.

Chia sẻ quan điểm bảo vệ môi trường

Nhiều khía cạnh về sử dụng túi nhựa/ni lông dùng một lần được học sinh phổ thông tranh luận sôi nổi tại cuộc thi tranh biện Tiếng Anh theo luật Public Forum.

Tranh biện ngôi quán quân bảng THPT

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, em Mai Phong Hải (lớp 9) và Lê Phong Linh (lớp 8), đều thuộc trường THCS Nguyễn Trường Tộ - Hà Nội cho rằng, em ở bên "phe đồng tình" bảo vệ quan điểm “túi nhựa dùng một lần nên bị cấm”.

Hải chia sẻ, trước cuộc thi khi chưa tìm hiểu về vấn đề “nhức nhối” trên toàn cầu này nên bản thân em không thể đủ thông tin cũng như năng lực để bảo vệ quan điểm này là đúng.

“Sau khi tìm hiểu một tháng về nội dung, em đã có hiểu biết để bảo vệ quan điểm của đội. Trong cuộc thi, chúng em sẽ gặp khó trong việc phản biện lại bởi các bạn bên đội kia vì khi nếu cấm điều này thì sẽ ảnh hưởng nhóm dân số yếu thế trong xã hội”- Hải chia sẻ.

Linh cho rằng, khi đi tìm nội dung cho cuộc tranh biện, em tìm được thông tin, sản phẩm nhựa để làm ra túi sử dụng một lần sẽ hết vào năm 2050. Vì thế, đội em triển khai theo các ý, nếu như nguồn nguyên liệu này sẽ cạn kiệt trong 25 năm tới, thì sao lại không nên cấm trước 20 năm để xã hội loài người có thể thích nghi, đi tìm kiếm nguyên liệu mới?

“Nếu quyết định dừng lại chỉ thời điểm khi đã cạn kiệt rồi thì có thể có những vấn đề xảy ra thì con người còn khó thích nghi hơn”- Linh quan điểm.

Hai bạn cho rằng, đây là vấn đề rất hay và các em có cơ hội được bảo vệ quan điểm của mình vì điều này sẽ tạo ra sự bền vững môi trường trong tương lai.

“Nếu có thời gian thì chúng em mong có thể giải thích được nhiều hơn những thông tin này. Chúng em muốn lan tỏa thông tin này đến với nhiều học sinh trên cả nước cũng như mọi người hơn nữa"- quán quân của cuộc thi cho biết.

Giành giải Á quân trong cuộc thi, đội Les critiques, gồm Lê Linh Chi và Nguyễn An Khánh (lớp 10), đều thuộc trường THPT Olympia - Hà Nội cho rằng hơi có một chút tiếc nuối vì chỉ có một buổi tối trước hôm thi để tìm hiểu về nội dung này. Đội em sẽ phải đưa ra ý kiến phản bác lại quan điểm “túi nhựa dùng một lần nên bị cấm”.

Trong cuộc thi, hai á quân lập luận, thứ nhất, những túi nhựa sử dụng một lần vẫn có loại cần thiết cho ngành y. Thông tin tìm được, có loại túi nhựa dùng 1 lần này không thể thay thế được bằng loại túi khác vì còn liên quan đến an toàn, giảm thiểu chi phí cho các bệnh viện.

Thêm nữa, theo Linh Chi và An Khánh, vấn đề túi nhựa sử dụng một lần liên quan đến các đối tượng thiểu số, họ có nhiều người mức lương không cao, chỉ nhận lương theo ngày và có số tiền nhất định trong 1 ngày. Ví dụ, bên Ấn Độ thì 60% người dân ở nước đó chỉ sống với mức lương 3,1 đô-la/ngày thì việc mua 1 túi với túi nhựa giá 1 đô-la rất khó khăn.

Việc phải sử dụng loại túi vải, túi giấy với giá gấp đôi gấp 3 thậm chí gấp 5 lần thì họ không thể mua được, không thể bán hàng được và sẽ dồn họ vào góc chết.

Ngoài ra, theo 2 á quân, vấn đề cấm sử dụng túi nhựa một lần còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn thế giới. Việc sản xuất túi nhựa 1 lần cũng là 1 phần của nền kinh tế thế giới và rất quan trọng. Việc cấm không được sử dụng túi nhựa dùng 1 lần khiến kinh tế các nước bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là những nước đang phát triển.

“Từ trước đến nay, chúng em tham gia nhiều các cuộc thi tranh biện nhưng chưa bao giờ nghe nói đến format chương trình này nên rất bất ngờ. Năm nay chủ đề của cuộc thi hay. Xuyên suốt cuộc thi là nói về một chủ đề nên nội dung đưa ra rất sâu và cho chúng em học hỏi nhiều”- Linh Chi và An Khánh chia sẻ.