Học sinh lớp 1 hứng thú, giáo viên tự tin với chương trình mới

TP - Lớp học có đến 70% học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em đến trường còn chưa sõi tiếng Kinh nhưng sau một học kỳ với sự nỗ lực của cả cô và trò, các em đã đọc thông, viết thạo. Nhiều em tự tin, hứng thú học chương trình mới, cuối tuần không muốn về nhà.
Học sinh lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong giờ học

Tự tin hơn

Đầu giờ sáng, lớp 1A1, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái) rộn rã tiếng học sinh đọc bài. Giờ Tiếng Việt, nhiều học sinh giơ tay xung phong đứng dậy đọc. Có em giọng còn lơ lớ nhưng đọc đoạn văn rõ trôi chảy, rành mạch, nhiều em đọc to, rõ ràng bài đọc bất kỳ cô giáo yêu cầu. Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Lang Thíp cách khá xa trung tâm mới được xây mới, phòng học sạch đẹp, có thêm khu bán trú cho toàn bộ học sinh ở lại trong tuần.

Cô Đào Thị Mận, giáo viên đứng lớp, cho biết, đầu năm học mới, cô gặp nhiều khó khăn vì lớp có tới 70% học sinh dân tộc miền núi. Có em khi ra đến trường còn chưa sõi tiếng Kinh. Chương trình mới ban đầu cô trò chưa quen nên choáng ngợp trước sự đồ sộ của nội dung một giờ học. Nhưng sau khi được hướng dẫn, giáo viên có quyền điều chỉnh, linh hoạt các giờ dạy, không phải chạy đua theo chương trình nên cô trò thoải mái hơn. Khắc phục khó khăn dạy chữ đối với trẻ dân tộc thiểu số, cô dành nhiều thời gian sau giờ học, thậm chí các buổi tối trong tuần để “học cùng em”. May mắn, đa số học sinh ở trường đều ở bán trú, buổi tối các em ở chung phòng, cô giáo đến kèm thêm 1-2 buổi/tuần.

Theo cô Mận, đến thời điểm này, cô trò có thể khẳng định, cô tự tin dạy học phương pháp mới, trò tự tin đọc, viết tốt. Khoảng 50% em đọc tốc độ nhanh, nghe viết tốt, 50% học sinh chậm hơn, tuy nhiên điều quan trọng là học sinh rất hứng thú với các giờ học chương trình mới.

Cô Phạm Ngọc Lan, giáo viên lớp 1C, Trường Tiểu học Kim Đồng (Yên Bái), cho biết, đến thời điểm này, học sinh đã đọc trơn tru, lưu loát cả những đoạn văn dài. Vì số tiết Tiếng Việt năm nay nhiều hơn chương trình cũ nên hết học kỳ I, học sinh đã tiến bộ rất nhiều. Ngoài giờ học trên lớp, cô giáo thường giao các bài tập về nhà gắn liền với đời sống thực tiễn, quan tâm tới ông bà cha mẹ.

Cô Lan chia sẻ, ban đầu, giáo viên đứng lớp 1 dù đã được tập huấn rất kỹ nhưng trước dư luận, phụ huynh kêu khó, bài học thiết kế dài, đặc biệt là các bài đọc, nên giáo viên khá hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, sau đó, giáo viên được “gỡ khó, được chủ động với chương trình. Giáo viên tự nghiên cứu tài liệu, học liệu để làm phong phú cách thức tổ chức dạy học, khiến học sinh có hứng thú học tập. Đặc biệt, các môn học khác hướng học sinh đến nhiều kiến thức xã hội, học sinh tự tin, hiểu biết hơn.

Cô Lan cho rằng, trong 22 năm đứng lớp, năm học này, cô nhận thấy thay đổi lớn nhất chính là cô giáo. Nếu như ngày xưa thầy cô bám SGK để dạy thì nay nguồn học liệu điện tử rất đa dạng, ngoài ra có thể lên mạng tìm kiếm thêm. Trường học trang bị máy chiếu, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập cho học sinh đầy đủ nên khá thuận lợi. Những giáo viên lúng túng về phương pháp ban đầu sau cũng dần quen vì các tổ chuyên môn sinh hoạt hằng tuần, dự giờ để trao đổi, rút kinh nghiệm. Một trong những cách làm giáo viên ở đây thấy hiệu quả là phân loại đối tượng học sinh, nhóm tiến bộ nhanh thì cô yêu cầu cao hơn, nhóm chưa đọc thông viết thạo cô dành nhiều thời gian hướng dẫn, cho các em tiếp cận từ từ.

Tăng trải nghiệm sáng tạo

Ông Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Lang Thíp cho hay, sau khi kiểm tra học kỳ I, nhà trường đánh giá bước đầu học sinh có kết quả tốt, tiến bộ rõ nét, khác biệt so với chương trình cũ chính là tiếp thu chủ động, hứng thú hơn. Trường vùng khó khăn nhưng được đầu tư xây mới, phòng học trang bị đủ thiết bị máy chiếu hỗ trợ mang lại cảm hứng cho thầy cô giáo được phân công dạy lớp 1.

“Đến thời điểm này, các nhà trường tự tin khẳng định hầu hết học sinh đã đọc trơn, kỹ năng viết cơ bản, tập chép được đoạn văn ngắn. Kiến thức môn Toán, cộng không nhầm trong phạm vi 20. Tuy nhiên, vẫn có học sinh đọc chậm, điều đó không tránh khỏi nhưng đánh giá chung so với trước là các em đáp ứng được yêu cầu đề ra”, ông Đào Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái

Ông Dũng thông tin, trường có tới 69,5% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Dao nên gặp nhiều khó khăn hơn so với vùng thuận lợi. Giáo viên ban đầu cũng chưa thể thành thục cả về thao tác lẫn cách khai thác chương trình, tài liệu SGK mới. Vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây kết quả rất tốt. Để có được điều này, ông Dũng khẳng định, phải làm tốt từ khâu lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết và tập huấn kỹ về phương pháp dạy học.
“Ngoài giờ học ở lớp, trường dành riêng một khu ruộng để học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm bằng cách chăm sóc vườn rau. Trước đây, học sinh hay bỏ học, nhưng từ ngày ở bán trú, được ăn ngon, có nhiều hoạt động trải nghiệm nên nhiều em cuối tuần bố mẹ đến đón còn nấn ná không muốn về nhà”, ông Dũng nói.
  Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết, địa phương bố trí, sắp xếp đảm bảo dành phòng tốt nhất cho học sinh lớp 1. Đội ngũ giáo viên, ngoài tập huấn chung với Bộ GD&ĐT còn tập huấn riêng tại địa phương để trao đổi rõ về phương pháp và SGK mới.

Khi có SGK, Sở GD&ĐT giao cho giáo viên cốt cán xây dựng các bài dạy mẫu phù hợp với trình độ thực tế học sinh địa phương. Đặc biệt, khi vào giảng dạy, dư luận có nhiều ý kiến về SGK, chương trình, Sở lại cử tổ công tác đi một lượt đến các trường để nắm bắt và hỗ trợ chuyên môn, giảm áp lực về mặt tâm lý cho giáo viên dạy lớp 1.