Học sinh hào hứng với đề thi mở

TP - Xu hướng ra đề thi theo hướng mở đang phổ biến hơn tại các trường học ở TPHCM, giúp học sinh hứng thú hơn với các vấn đề có tính thời sự.
Đề thi Văn ngày càng đổi mới khiến học sinh hào hứng hơn. Ảnh minh họa.

Mới đây, trong kỳ thi học kỳ I môn Văn khối 12 của trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cuộc trò chuyện của cha con cậu bé gốc Việt sau cuộc khủng bố Paris được đưa vào phần thi nghị luận xã hội, khiến nhiều học sinh cảm thấy bất ngờ, nhưng hứng thú.

Câu nghị luận xã hội của đề thi như sau: “Liên quan đến vụ tổ chức khủng bố IS đánh bom và xả súng đẫm máu ở Paris hôm 13/11/2015 vừa qua, khiến 129 người thiệt mạng và cả thế giới bàng hoàng, tại buổi tưởng niệm các nạn nhân, một video của hãng truyền thông Le Petit Journal đã ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố người Pháp gốc Việt và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch vừa xảy ra. Chỉ sau thời gian ngắn, video này đã lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội và ngay lập tức nhận được hơn 11 triệu lượt chia sẻ trên Facebook...”.

Lâm Anh, học sinh lớp 12A12, nói: “Đề thi rất hay, lại mang tính thời sự nên mình dễ bày tỏ quan điểm, đặc biệt là sự phẫn nộ với hành động tàn ác của bọn khủng bố…”.

Trong khi đó, đề thi Văn học kỳ I khối 10, trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú liên quan phim truyện. Câu 2 của đề thi như sau: “Trong bộ phim “You’re the apple of my eyes”, nhân vật chính Đằng Kha sau khi đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều thăng trầm đã nhận ra: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt thêm lần nữa”. Từ suy nghĩ trên, học sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của “Tuổi trẻ với mỗi con người”.

Với đề thi Văn của lớp 12 trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 học sinh cũng rất hứng khởi khi phân tình mẫu tử qua câu chuyện trên báo. Đề thi có những câu hỏi, yêu cầu học sinh làm rõ như “Tại sao bày tỏ tình yêu với người xa lạ một cách dễ dàng nhưng lại quá khó khi nói rằng con yêu mẹ” hay như câu “Trong xã hội ngày nay có không ít bạn trẻ có lời nói và hành động chưa đúng với người mẹ”, anh/chị hãy trình bày về hiện tượng này…”.

Để học sinh thể hiện quan điểm

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên bộ môn Văn, người phụ trách ra phần thi nghị luận xã hội liên quan khủng bố IS tại Paris, cho biết, đề thi Văn bây giờ không chỉ để đánh giá học sinh mà còn là nơi để học sinh thể hiện kỹ năng, bày tỏ quan điểm, trăn trở của các em trong cuộc sống.

“Khủng bố IS xảy ra là một nỗi căm phẫn cho toàn xã hội. Lướt một vòng trên Facebook, tôi thấy rất nhiều học sinh treo cờ nước Pháp, đổi avatar cùng với những dòng tâm sự rất nhân văn, trong khi đó lại có những bạn trẻ khác dại dột giả mạo Facebook IS rồi thách thức IS vào Việt Nam… Chính những đều này đã thôi thúc tôi đưa chủ đề IS vào đề thi, đặc biệt là câu nói “Họ có súng, còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng” để giáo dục tính nhân văn và yêu chuộng hòa bình cho các em học sinh”, thầy Anh nói.

Theo thầy Anh, những năm qua, trường luôn bám sát thời sự để ra đề thi như sự kiện biển Đông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Bá Thanh… Tuy nhiên, nếu cứ theo thời sự thì rất dễ bị học sinh “bắt bài” đề thi. Thời sự chỉ là thứ yếu, quan trọng là vấn đề đưa ra các em có quan tâm hay không, viết vấn đề này, các em nhận lại được cái gì, bởi đề Văn xưa nay luôn bị quy chụp là viết cho người khác, viết theo khuôn mẫu, chứ không phải viết cho các em, thầy Anh nói.

Là giáo viên chuyên Văn, thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, cho biết, vài năm trở lại đây, Sở GD&ĐT giao quyền ra đề kiểm tra học kỳ cho các trường THPT. “Việc các trường ra đề vừa tiết kiệm thời gian giao nhận đề, vừa tiết kiệm phần nào chi phí in ấn, đi lại và vừa đảm bảo tính chủ động của các trường, bám sát đối tượng học sinh của từng trường”, thầy Cải nói.

Theo thầy, đề Ngữ văn mấy năm gần đây đã gần hơn với cuộc sống là tín hiệu tốt. “Bên cạnh rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, khả năng cảm thụ văn học thì việc nhìn nhận những vấn đề sát sườn với cuộc sống, với thời sự của đất nước là điều cần thiết. Bởi “văn học là nhân học” nên việc học làm người thì phải toàn diện. Không chỉ giáo viên, mà cả học sinh cũng hứng thú với cách thức ra đề như thế”, thầy Cải nói.