Trước câu hỏi chương trình mới sẽ khắc phục câu chuyện giảm tải cho học sinh như thế nào? Giảm tải học sinh có tăng tải cho giáo viên không? GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải” trong GDPT. Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Bộ GD&ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
Nhưng theo GS. Thuyết, sự thực thì thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ. Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước.
Nhưng vì sao việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải? Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, có 6 nguyên nhân. Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh. Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập. Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình. Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều. Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi. Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Từ 6 nguyên nhân này, GS. Thuyết cho biết chương trình GDPT mới đưa ra 6 biện pháp giảm tải như giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.
Quý III/2019 sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên lớp 1
Theo lộ trình được chính thức đưa ra, năm học 2020 - 2021 sẽ thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1 trên toàn quốc. Các năm tiếp theo sẽ tiến hành các lớp còn lại và bậc THCS cũng như bậc THPT. Vậy đối với đội ngũ giáo viên, để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, Bộ lo nhất vấn đề gì? Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, liên quan đến đội ngũ nhà giáo, vấn đề số lượng và chất lượng đều là hai nội dung băn khoăn. Nhưng trong đó, quan trọng nhất là chất lượng. Vì đội ngũ giáo viên có số lượng lớn và có thói quen trước đó nên thường thay đổi rất khó khăn. Do đó, Bộ lo lắng nhiều về chất lượng đội ngũ.
Giải pháp được đưa ra, theo ông Hoàng Đức Minh, sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. Ông cũng cho hay, từ khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở bồi dưỡng giáo viên các năng lực cốt lõi, tổ chức hoạt động trải nghiệm, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn. Giáo viên đã áp dụng đổi mới. Để thực hiện chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm 2020, quý III/2019 Bộ sẽ bồi dưỡng giáo viên từ lớp 1 và cuốn chiếu. Cách thức là bồi dưỡng giáo viên cốt cán trực tiếp tại trung ương, sau đó bồi dưỡng đại trà tất cả giáo viên thông qua mạng internet với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán để trao đổi, tháo gỡ, chia sẻ với giáo viên tại địa phương. Các môn học mới cũng đã kịp thời đào tạo để đáp ứng đúng tiến độ thay sách của Bộ đã đặt ra.