Học sinh được giảm giá khi... phá thai
Gần đây bệnh viện Thái Y Đường ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc có đăng quảng cáo “phá thai không đau, giảm nửa giá cho học sinh, từ 900 NDT xuống còn 450 NDT”.
Quảng cáo gây nhiều tranh cãi này một lần nữa khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc được nhắc nhở về tình trạng nạo phá thai đang xảy ra tràn lan trong giới học sinh, sinh viên.
Nở rộ quảng cáo
Trước quảng cáo giảm nửa giá phá thai cho học sinh, sinh viên của bệnh viện Thái Y Đường, Giáo sư Bành Hiểu Huy thuộc Đại học sư phạm Hoa Trung thẳng thắn cho rằng, đây là một chiêu câu khách, không mang tính y đức. Nhiều cư dân mạng cũng bức xúc bởi thẻ học sinh lại trở thành thẻ ưu tiên cho một việc khó chấp nhận ở lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ thuộc bệnh viện Thái Y Đường lại cho biết không ít học sinh từng phá thai với chi phí khoảng 1.000-2.000 NDT. Bệnh viện đưa ra chương trình giảm giá nhằm hỗ trợ các em học sinh giải quyết vấn đề “ngoài ý muốn”, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm lý trong khi túi tiền có hạn.
Được biết, tại nhiều phòng khám tư tại Vũ Hán cũng đều có chương trình phá thai “ưu tiên học sinh”. Một cuộc điều tra nhanh cho thấy, 18/20 nữ sinh tại Vũ Hán luôn được cập nhật các thông tin ưu đãi về phá thai qua các vật phẩm như tờ rơi, bút, quạt, kẹp sách miễn phí... tại các cửa hàng xung quanh trường học.
Việc nở rộ các quảng cáo phá thai nhanh, rẻ tại nhiều địa phương của Trung Quốc cho thấy tình trạng học sinh, sinh viên phá thai ngày càng nhiều. Tại nước này, mọi người thường gọi thời gian nghỉ đông là “tháng phá thai của học sinh sinh viên”.
Theo Chủ nhiệm khoa Sinh đẻ kế hoạch thuộc bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh Trần Tố Văn, cứ khoảng 30 phụ nữ cần phá thai thì thường 5 người dưới 22 tuổi hoặc ở độ tuổi trung học.
Số ca phá thai không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, từ tháng 1 – 8 năm nay, bệnh viện Bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em tỉnh Hồ Nam thống kê được 5.000 ca phá thai, trong đó 1/4 số người từng phá thai trên 1 lần, độ tuổi nhỏ nhất là 15 tuổi, thậm chí theo hồ sơ y tế tại viện này có một phụ nữ họ Tống, SN 1982 đã phá thai đến 24 lần.
Một thống kê vào năm 2012 đăng trên trang mạng QQ (Tengxun) của Trung Quốc cho thấy, trong số những cô gái Trung Quốc chưa kết hôn mà phá thai, có 57,1% mắc các bệnh lây qua đường sinh dục; 1/3 quan hệ tình dục lần đầu trước 19 tuổi; trường hợp có số lượng bạn tình nhiều nhất là 16 người.
Nhiều bạn trẻ còn sai lầm cho rằng phá thai là một phương pháp tránh thai. Một thiếu nữ tên Hiểu Văn, 16 tuổi đã phá thai đến 5 lần trong một năm, một nhân viên y tế ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc bệnh viện Giải phóng quân 202 ở tỉnh Thẩm Dương cho biết.
Khi chia sẻ với Hiểu Văn về phương pháp phòng tránh thai cơ bản, nhân viên y tế này vô cùng ngạc nhiên khi cô bé nói: “Phá thai không hề đau, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Đây không phải là một cách tránh thai sao?”. Cô gái này cho biết thêm thường xuyên uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thường ghé “thăm” các phòng khám để phá thai, nhiều cô gái trẻ không lường hết rủi ro khi liên tiếp phá thai, như tổn thương nội mạc tử cung, sảy thai, vô sinh hoặc rối loạn nội tiết.
Ngày 25/7, một cô gái 20 tuổi ở thành phố Đài Trung, Đài Loan trong vòng 2 năm phá thai 5 lần. Sau lần phá thai thứ 5, cô này phát hiện ngực bị teo đi rõ rệt. Bác sĩ cho biết, việc liên tục mang thai và phá thai trong thời gian ngắn đã khiến bệnh nhân rối loạn nội tiết tố, buồng trứng lão hóa trước tuổi, tuyến vú nở rộng rồi co lại nhiều lần khiến ngực bị chảy và teo. Không chỉ tại các phòng khám tư, nguy hiểm khi phá thai tại bệnh viện cũng khó tránh.
Ngày 6/11, người chồng tên Vương Quan Triều – bí thư thôn Đường Loan, thị trấn Đông Phố, khu Việt Thành, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang đã “đại náo” bệnh viện, đánh bác sĩ khi người vợ sau phá thai đã bị ra máu liên tục. Kiểm tra lại tại một bệnh viện khác, bác sĩ phát hiện trong tử cung của cô này còn một phần thai chưa làm sạch hết.
Đề xuất miễn phí phá thai
Luật sư Vệ Ái Dân thuộc văn phòng luật sư Đương Đại, thành phố Bắc Kinh, đại biểu nhân dân thành phố, đề nghị trước kì nghỉ đông, trường học cần tổ chức giáo dục giới tính và các biện pháp tránh thai, tài liệu do các địa phương tự biên soạn và thông qua.
Các trường nên bố trí hòm bán bao cao su tại những nơi giấu mặt người mua để tránh học sinh ngần ngại lộ diện. Đặc biệt, ông Vệ Ái Dân đề xuất các bệnh viện công tại Bắc Kinh nên miễn phí phá thai cho học sinh hoặc thu phí không quá 100 NDT. Vị đại biểu Bắc Kinh này còn nhấn mạnh nên cấm các phương tiện truyền thông đăng phát tin quảng cáo phá thai quá lời dẫn đến hiểu lầm…
Trước kiến nghị của đại biểu Vệ Ái Dân, Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh hồi đáp rằng có nhiều ý kiến bất đồng về tài liệu giảng dạy giới tính và việc công khai các biện pháp tránh thai tại trường học chịu không ít áp lực phản đối từ phụ huynh.
Một cuộc điều tra của Hội liên hợp phụ nữ toàn quốc Trung Quốc cho thấy, 41,6% phụ huynh chưa bao giờ đề cập kiến thức về tình dục với con cái. Ở giai đoạn tiểu học, việc giáo dục giới tính gặp phải trở ngại “3 không”: Không giáo trình, không giáo viên, không giờ giảng dạy. Tại giai đoạn trung học, các học sinh được học về sinh lý nhưng nội dung sức khỏe sinh sản chỉ đề cập qua loa.
Cơ quan y tế cho biết phần lớn lứa tuổi này chọn phòng khám tư vì không muốn công khai tên tuổi, chứ không phải vì phí dịch vụ tại bệnh viện quá cao. Các cư dân mạng Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất của ông Vệ Ái Dân.
Nhiều người cho rằng, học sinh, sinh viên mang thai là hậu quả của hành vi nông nổi, nếu miễn phí phá thai càng dễ khuyến khích họ quan hệ tình dục không an toàn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán đồng cho rằng, bình thường hóa việc phá thai sẽ khiến giới học sinh sinh viên không lén lút phá thai để phải hứng chịu hậu quả khôn lường.
Những người ủng hộ cũng cho rằng không chỉ miễn phí phá thai đối với học sinh sinh viên, nên mở rộng đối tượng được ưu đãi đến người thất nghiệp, phụ nữ thất học hoặc nữ lao động ngoại tỉnh trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Đỗ Mai
An Ninh Thủ Đô