Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên". Quy định này được nhiều bạn teen cũng như các thầy cô giáo quan tâm.
Thông tin này đã thu hút được sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều các nhà giáo dục cũng như các thầy cô giáo, học sinh thì cảm thấy hào hứng với quy định mới này. Mặt khác, dư luận xã hội lo ngại về vấn đề kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học.
Dùng điện thoại, quên bài nhanh hơn?
Trao đổi về vấn đề này, sinh viên Lê Vũ Anh Thư , đang học tại trường Đại học La Trobe, Úc nêu quan điểm, không ủng hộ việc sử dụng điện thoại trong lớp.
Anh Thư cho rằng, ở trường Đại học của em cũng rất nhiều lần thầy đã lấy đề tài này ra bàn luận.
Cũng chính Thư thừa nhận, thật sự việc kiềm chế bản thân không dùng điện thoại trong giờ là rất khó. Kể cả người lớn cũng nhiều người vẫn chưa kiềm chế được thời lượng sử dụng điện thoại trong ngày.
Đối với nhiều bạn, dùng điện thoại rất tiện lợi. Từ việc ghi âm, chụp bài, tra từ điển. Nhưng theo ý kiến của Thư thì việc ghi âm, chụp bài, tra từ điển và nhất là tra cứu thông tin bài trên mạng sẽ giảm hiệu suất của giờ học đi rất nhiều.
“Em có thời gian dài từng chụp rất nhiều bài vào máy điện thoại, ghi âm bài giảng , việc đấy rất nhanh và tiết kiệm thời gian ghi chép bài, nhưng lại làm em ỷ lại, ko chú ý nghe giảng và về nhà rất ít khi giở ra xem lại bài học”- Thư nói.
Cũng theo Thư, Giáo sư của em từng giải thích nếu cháu vừa nghe, vừa đọc, vừa chép bài và vừa suy nghĩ thì cháu sẽ học rất nhanh. Nhưng nếu chụp bài hay ghi âm bài thì em chỉ nghe giảng bài nên sẽ quên rất nhanh.
“Hồi cấp 3 em rất hay có bài dịch, nhiều bạn quét bài rồi dịch bằng điện thoại rồi nộp luôn ạ, chưa kể gian lận trong thi cử rất nhiều. Em từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, các bạn cũng dùng điện thoại để làm công cụ bắt nạt luôn”- Anh Thư chia sẻ.
Anh Thư cho rằng, cách đây mấy năm, em cứ bước vào cổng trường là bạn bè đã chụp ảnh và nói ra nói vào về cái giày cũ, quần không bó, kính không xịn,… của em.
Chưa nên áp dụng
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và tích cực nếu điện thoại sử dụng trong lớp học chỉ phục vụ cho việc học tập và thầy cô quản được với học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Na, về mặt chủ trương đây là quy định đúng nhưng mặt thực hiện như thế nào mới là quan trọng.
Bà Na chỉ ra, với đối tượng của học sinh cấp 3 thì việc cho sử dụng trong lớp học có thể hợp lý vì ở độ tuổi này các em ý thức được việc sử dụng đúng- sai. Nhưng với học sinh trung học thì các học sinh chưa tự giác được thì đưa vào cần cân nhắc hơn.
Vị Phó hiệu trưởng cho rằng, học sinh trung học thì sức cám dỗ của game của các trò chơi mạnh hơn rất nhiều việc học tập. Và nếu áp dụng ở một lớp khoảng 30 học sinh thì kiểm soát tốt hơn các lớp đông học sinh lên tới 40-50 học sinh”- bà Na Nhấn mạnh.
Cũng theo bà Na, chuyện cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học cần tiến hành một cách cẩn trọng.
“Chủ trương cho học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập là rất đúng nhưng nó có thể đúng với trường này nhưng không đúng với trường khác. Những ngày qua các chuyên gia phân tích rất hay nhưng để áp dụng đại trà ở thời điểm này theo tôi thì chưa ổn lắm, nhất là ở trong giai đoạn này khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị trước mà áp dụng ngay thì hiệu quả không cao”- bà Na nhấn mạnh.
Bà Na cho rằng, bất kể một đề xuất khi đưa ra quyết định thì phải có nghiên cứu khoa học, thống kê thì mới đưa ra được quyết định đúng đắn. Điều này mới tránh được sự cảm tính, lý thuyết, còn thực tế thì còn xa vời lắm.
“Tôi cho rằng, nếu bộ GD&ĐT đưa ra một cuộc khảo sát không chỉ bên trong học sinh kể cả phụ huynh thì sẽ có một quyết định đúng đắn hơn. Việc Bộ đưa ra quyết định này cần phải xem xét kĩ. Cần có một cuộc khảo sát, thống kê mà ở đó chuyên gia đưa ra nhiều câu hỏi để tính hết được những hệ lụy từ quyết định này”- bà Na nêu quan điểm.