Tại chương trình “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với ĐH Thành Đô vừa tổ chức tại Hà Nội, em Vũ Trọng Nghĩa, học sinh Trường THPT Việt Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay học sinh đang chịu nhiều áp lực, trong đó có cả áp lực từ mạng xã hội tác động mạnh đến tâm lý. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh. Nghĩa băn khoăn, làm cách nào để học sinh có thể đối mặt và vượt qua được những áp lực đó.
Còn Trần Quỳnh Hoa, học sinh một trường THPT tại Hà Nội cho biết, nhiều người nói thế hệ Gen Z sống trong sung sướng bởi hiện nay điều kiện cuộc sống tốt hơn nhưng vẫn suốt ngày than khổ, áp lực, stress. Do đó, Hoa quan tâm làm cách nào để “vượt sướng” và đạt mục tiêu trong học tập?
Chia sẻ với học sinh, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô nói rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ số. Điều đó khiến chúng ta dễ dàng tiếp cận mọi thông tin.
Tuy nhiên, ngoài những thông tin có tác động tích cực, giúp ích cho học tập hay các vấn đề trong cuộc sống còn có những thông tin tác động tiêu cực. Đặc biệt, học sinh cuối cấp đang ở giai đoạn quan trọng, mang tính chất bước ngoặt trong thi cử sẽ phải đối mặt với những áp lực vô hình đến từ nhiều phía. Nếu không biết cách bố trí thời gian hợp lý để học tập và nghỉ ngơi, thư giãn, các em có thể dễ mất phương hướng, động lực trong ôn luyện thi.
Theo bà Thảo, trong giai đoạn mang tính bước ngoặt quan trọng, học sinh có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội và cần có sự chọn lọc thông tin khi tiếp cận với mạng xã hội để tránh chịu tác động tiêu cực. “Khi dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, dễ dẫn đến tình trạng nhớ nhớ, quên quên, mất tập trung”, PGS Thảo nói.
Bị so sánh với "con nhà người ta"
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, nhiều gia đình đặt sự kỳ vọng quá lớn vào con cái dẫn đến việc các em bị áp lực nặng nề. Không ít gia đình thẳng thừng so sánh “con nhà người ta” với các bạn hàng xóm, những người xung quanh khiến các em ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí, nhiều trẻ bị trầm cảm, thay đổi cân nặng, ngủ li bì. Những áp lực đó, nếu như không được gỡ bỏ sẽ tác động rất lớn đến tâm lý học sinh.
Cũng theo ông Tú, đôi khi phụ huynh thốt ra những lời so sánh con với “con nhà người ta” chỉ vì buột miệng tuy nhiên lại để lại sự tổn thương cho con. Đã có thế hệ cha mẹ chưa từng được học cách bày tỏ tình yêu thương với con, nói yêu con. Vì vậy, đôi khi quan hệ cha mẹ - con cái gặp khó khăn trong việc chia sẻ để thấu hiểu lẫn nhau.
Chia sẻ với sự trăn trở của học sinh, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng cho rằng, đôi khi chúng ta “vượt sướng khó hơn vượt khó”. Các thế hệ khác nhau sẽ có góc nhìn khác nhau. Do đó, chỉ cần các em chịu mở lòng sẽ thấu hiểu tình yêu thương, sự lo lắng của bố mẹ và biết yêu thương bố mẹ đúng cách.
Không chỉ gặp vướng mắc về mặt tâm lý, nhiều học sinh cũng bày tỏ tâm lý băn khoăn, e ngại về việc chọn ngành, chọn nghề.
Gỡ rối cho học sinh, các chuyên gia chia sẻ, mỗi người sẽ giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, các em học sinh hãy khoanh lại các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của mình từ đó chọn ra được một ngành học phù hợp. “Lựa chọn ngành, nghề mình yêu thích và có năng lực sẽ tốt hơn chạy theo những điều viển vông. Sau khi xác định được lĩnh vực của mình thì mình sẽ chọn trường theo những yếu tố gần nhà, chất lượng đào tạo, đúng với định hướng”, chuyên gia khuyên.