Học nước rút, chạy đua điểm số

TP - Quay lại trường học, nhiều học sinh phải học ngày học đêm để hoàn thành chương trình cũng như luyện thi, chạy đua điểm số cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Học sinh năm nay vất vả để hoàn thành chương trình

Chạy đua với thời gian

Chị Phan Thị Thúy Hằng (có con là học sinh lớp 5, Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Hà Nội) cho biết, khi con bắt đầu đi học trở lại, chị đã tìm lớp ôn luyện để con chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6. Như vậy, ngoài học 2 buổi/ ngày ở trường, 3 buổi học tiếng Anh ở trung tâm, con còn học tăng cường 6 buổi Tiếng Việt và Toán vào buổi tối và cuối tuần. “Thời khóa biểu dày đặc con sẽ rất áp lực nhưng đành phải theo vì chỉ còn thời gian ngắn nữa con phải kiểm tra học kỳ II và thi vào trường chất lượng cao rồi”, chị Hằng nói.

Một phụ huynh khác có con học lớp 3 Trường tiểu học Đại Từ (Hà Nội) cho biết, từ khi học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, chị cho con về quê ở với ông bà hơn 2 tháng, do đó con không học trực tuyến được. Tuy nhiên, khi đi học trở lại, trường dạy luôn bài mới, còn con được giáo viên giao cho rất nhiều bài tập để tự “lấp đầy chỗ hổng”. Để con theo kịp các bạn và đạt điểm số kiểm tra cuối kỳ như kỳ vọng, phụ huynh này dự định thuê gia sư kèm con các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. 

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, khi học trực tuyến, Bộ GD&ĐT cho phép kiểm tra thường xuyên qua mạng, kết quả học sinh đạt điểm rất tốt nhưng khi quay lại trường học, để đánh giá lại chất lượng thì điểm kiểm tra lại rất thấp. Do đó, thời điểm này, thầy cô phải nỗ lực vừa dạy học vừa ôn tập để học sinh “bật” lên. Trong đó, học sinh khối 6, 7, 8 hiện mới chỉ học 1 buổi/ ngày, buổi chiều học sinh yếu, kém được giáo viên dạy kèm qua trực tuyến.

Riêng học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vượt cấp nên nhà trường ưu tiên tăng cường lịch học, trong đó những em học trực tuyến chưa tiếp thu tốt kiến thức sẽ được phân loại đến lớp giáo viên dạy bổ túc; với học sinh khá giỏi, giáo viên dạy trực tuyến. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, dù hoàn thành kịp chương trình nhưng học sinh lớp 6, 7 có 13 môn học, lớp 8, 9 có 14 môn; các em phải thực hiện liên tục, dồn dập cùng lúc nhiều bài kiểm tra nên sẽ không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi. 

Nhiều trường gặp khó

Cô K.H, giáo viên dạy ngoại ngữ một trường THCS ở quận 12, TPHCM nói rằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu hoàn thành chương trình trước 15/7 nhưng Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu hoàn thành trước 30/6. Do đó, giữa tháng 6, học sinh phải kiểm tra học kỳ. Như vậy, giáo viên chỉ có 5 tuần để hoàn thành chương trình nên phải dạy miệt mài cho kịp tiến độ.

Theo cô K.H, trước đó, trường có kế hoạch phân loại học sinh gồm những em đã học tốt trực tuyến và những em học phập phù, chưa học để có kế hoạch bổ trợ. Tuy nhiên, sau đó, thời gian còn lại quá ít nên hiện nay giáo viên dạy tiếp chương trình bình thường, những em chưa học được sẽ học lại trên website của trường những bài giảng trực tuyến. Dù được giảm đầu điểm kiểm tra mỗi học sinh có 1 bài kiểm tra miệng, 2 kiểm tra 15 phút và 1 bài kiểm tra 1 tiết, 1 bài kiểm tra học kỳ trong học kỳ II ngắn ngủi. Việc này cũng gây áp lực cho các em.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS Marie-Curie (Hà Nội), nói: “Có thể việc hoàn thành chương trình sẽ gặp khó khăn đối với những trường, địa phương có tỷ lệ học sinh học trực tuyến thấp”. Theo thầy Khang, thời điểm này, việc dạy học nhằm đảm bảo chương trình được đặt lên trên hết, còn học sinh các lớp không phải cuối cấp như lớp 6, 7, 8 sẽ không thực sự được dạy kỹ, mở rộng như những năm trước. Vì thế, để vào năm học mới 2020-2021, trường sẽ dành 1 tháng để bổ túc đại trà, củng cố kiến thức cho học sinh theo chuẩn đầu ra.

Trong khi đó, ở các địa phương miền núi như Sơn La, việc dạy học trực tuyến không đồng đều, nhiều gia đình không có máy tính, điện thoại kết nối mạng cho con học. Sơn La cũng là địa phương cho học sinh nghỉ học sớm nhất, kéo dài nên khi quay lại trường học, thầy cô và học sinh rất vất vả để hoàn thành chương trình. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến, cho biết, trường nào đã dạy học tốt trực tuyến thì nay dành vài tuần để ôn tập và dạy bài mới, trường vùng khó coi như dạy từ đầu. Để hoàn thành chương trình, các em sẽ học tất cả buổi sáng, ôn tập buổi chiều.

Ngoài lùi thời gian kết thúc năm học tới 15/7, tinh giản chương trình, giảm số đầu điểm kiểm tra, đánh giá, hiện nay Bộ GD&ĐT đã phải tổ chức dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1, dạy ôn tập thi cuối cấp cho học sinh trên VTV.