Học ngoại ngữ... hiếm

Trong lúc nhiều người đổ xô đi học tiếng Anh, tiếng Hoa... thì vẫn có những người trẻ tìm đến với những ngoại ngữ "hiếm" như tiếng Nhật, Thái, Malaysia, Indonesia hay Khmer.
Sinh viên trong giờ học tiếng Indonesia tại Trường ĐH KHXH & NV TPHCM.

Và, không ít bạn có thể kiếm tiền kha khá từ những ngoại ngữ không sợ "đụng hàng" này.

Ngoại ngữ "hiếm" hái ra tiền...

Tuy cũng được xem là thời thượng nhưng tiếng Nhật vẫn thuộc hàng "hiếm" khi số người thông thạo ngoại ngữ này không nhiều. Đó cũng là lý do những bạn trẻ theo học tiếng Nhật thường được săn đón bằng những công việc với mức lương và điều kiện hấp dẫn khi còn chưa tốt nghiệp.

Chẳng hạn như anh bạn Phan Hữu Phúc, tuy đang học năm cuối khoa Đông phương, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM đã vừa nhận lời mời làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu hải sản của Nhật với văn phòng đặt tại Q.1.

Trước đó, anh đã từng cộng tác với một số công ty dịch thuật, làm phiên dịch cho Hội thảo du học Nhật Bản rồi làm hướng dẫn viên cho nhiều đoàn khách Nhật đến Việt Nam tham quan, nghiên cứu như đoàn sinh viên từ Nagoya tìm hiểu về chất độc da cam hay những doanh nhân sang tìm mua trầm hương. Dĩ nhiên, mức thù lao cũng khá hậu hĩnh.

"Đáng nhớ hơn cả là khi làm phiên dịch cho một vị giáo sư nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, mình phải liên hệ, đưa ông đi nhiều nơi để hỏi han thông tin. Và tất cả đều là tình nguyện, không nhận thù lao vì trước đó ông nằm trong đoàn giáo sư từ Tokyo sang mở trường từ thiện ở Phan Thiết", Phúc cho biết. Nhưng bù lại, Phúc nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý báu về kiến thức kinh tế của giáo sư này.

Trong khi đó, Cẩm Vân, cô bạn cùng lớp với Phúc, lại khá "đắt sô" với công việc biên dịch truyện tranh cho một nhà xuất bản ở TPHCM và dạy kèm tiếng Nhật vào buổi tối.

Trung bình một tuần, Vân "nuốt" 180 trang sách. "Ngoài khả năng tiếng Nhật, bản thân bạn phải là fan của truyện tranh thì mới có thể hiểu và chuyển tải đúng ngôn ngữ những lời thoại trong truyện sang tiếng Việt", cô bật mí.

Nhờ cật lực "cày xới" nên Vân đã có trong tay hơn 50 ngàn yên (khoảng 7 triệu đồng) để chuẩn bị cho chuyến đi Nhật một năm theo học bổng giao lưu văn hóa với Trường ĐH Kyoto Notre Dame vào tháng 3 tới.

Quang Dũng, sinh viên lớp Đông Nam Á, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, lại chăm chỉ học tiếng Thái. Dũng cho biết những chuyến đi phiên dịch cho các công ty Thái Lan qua tìm hiểu, khảo sát thị trường kinh doanh ở Việt Nam đã đem lại cho cậu không chỉ thu nhập kha khá mà còn giúp Dũng mở rộng thêm nhiều mối quan hệ.

Ngay từ cuối năm 3, với vốn tiếng Thái quý hiếm, Dũng đã vượt qua vòng phỏng vấn và được một công ty đồ hộp mời về làm việc. Tuy nhiên, chàng ta đã xin dời lại lời mời này vì nghĩ "đi làm cũng quan trọng, nhưng lúc này học còn quan trọng hơn".  

Và "hiếm" nhưng chưa "quý"

Mỹ Lý, cô bạn đang làm việc cho Công ty quảng cáo Brand Connections sau hơn 3 tháng học tiếng Khmer tại Trung tâm ngoại ngữ thông tấn báo chí (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết chỉ còn khoảng 3-4 người "trụ lại" đến phút chót.

"Chữ nào chữ nấy ngoằn nghèo, dính liền với nhau chứ không cách khoảng nên nhiều lúc đọc hoài không ra. Chưa kể cách viết khá phức tạp, nếu không xem lại thì hôm sau quên mất. Chắc tại khó quá nên nhiều người dễ nản tuy đa số đều có gốc gác Khmer", Lý giải thích.

Rồi cô bật mí chuyện một cô bạn người Nhật, có người yêu là dân Khmer "chính hiệu" hăng hái tham gia khóa học từ những ngày đầu, nhưng chỉ gần tuần lễ "chịu không thấu" phải bỏ cuộc.

"Hiếm" là thế nhưng tiếng Khmer vẫn chưa thành công cụ "ăn nên làm ra" cho những người trẻ do ít người để ý đến. Đa số học viên tìm đến học do nhu cầu công việc hay do những lý do cá nhân thú vị, chứ không mang hy vọng kiếm nhiều tiền.

Như gia đình Lý trước đây từng sinh sống ở Campuchia, vì thế ngoài vốn tiếng Anh, Pháp, Hoa "lận lưng", cô chọn học thêm tiếng Khmer, trước tiên để hỗ trợ công việc và quan trọng hơn là có thể trò chuyện với gia đình chồng khi người yêu của cô cũng là dân Khmer.

"Ban đầu bạn bè trong công ty nghe nói học tiếng Khmer ai cũng cười, nhưng khi có khách Campuchia đến liên hệ, mình có thể giao tiếp được với họ, lúc đó mới thấy "quý" thiệt! Cho nên khó đến mấy cũng gắng học đến nơi đến chốn để sau này còn sang Campuchia lập nghiệp nữa", cô cười tiết lộ.

Có cùng suy nghĩ "bây giờ chưa quý nhưng về sau sẽ quý" như Lý là anh chàng Hoàng Bảo, hướng dẫn viên Công ty Du lịch văn hóa Sài Gòn. "Mình thấy hiện nay nhu cầu sang Việt Nam làm ăn buôn bán, chữa bệnh của người dân Campuchia đang tăng, hơn nữa nhiều tour khám phá đất nước chùa tháp này cũng đang dần "lên ngôi" trong giới trẻ. Có lẽ sắp tới người học tiếng Khmer như bọn mình sẽ có đất dụng võ", Bảo nói.

Và trong đầu anh chàng đang ấp ủ dự định thiết kế những tour du lịch "bụi" độc đáo cho những người trẻ mà nói như Bảo là muốn "xới tung vùng Tây Nam Bộ và xứ Campuchia cho thỏa chí" sau khi "còng lưng" trang bị cho mình vốn Khmer kha khá. Còn trước mắt ư? "Nếu có đoàn nào từ Campuchia sang thì mình có thể giao tiếp mà không phải dùng đến động từ "tu quơ" rồi!"

Cũng như vậy, tuy chưa có nhiều cơ hội để phát huy vốn ngoại ngữ Indonesia của mình, nhưng Hoàng Yến, sinh viên năm cuối lớp Đông Nam Á, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn vẫn rất lạc quan: "Theo xu hướng hợp tác kinh doanh toàn cầu, rồi sẽ đến lúc các công ty Indonesia đầu tư vào Việt Nam thôi. Bây giờ ráng học sau này sẽ hữu dụng".

Theo Vân Anh - Lan Anh
Thanh Niên