Học bạ toàn 10 vẫn bị trả hồ sơ: Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng, phụ huynh vẫn băn khoăn

TPO - Dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã lên tiếng lý giải, năm nay Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã điều chỉnh tiêu chí tuyển sinh lớp 6 nhưng phụ huynh có con bị trả hồ sơ dù bảng điểm toàn 10 vẫn thấy băn khoăn.

Trước thông tin, nhiều phụ huynh có ý kiến về việc học bạ của con từ lớp 1 đến lớp 5 đẹp như mơ, toàn điểm 10 nhưng vẫn bị Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam loại khỏi vòng hồ sơ, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng: kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường đã điều chỉnh tiêu chí về điều kiện dự tuyển và có nhiều hồ sơ hợp lệ hơn.

Cụ thể, mùa tuyển sinh năm trước, học sinh phải đạt danh hiệu: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện trong các năm tiểu học.

Phụ huynh cho biết, để nộp hồ sơ dự tuyển, gia đình đã cho con luyện thi từ sớm rất vất vả.

Tuy nhiên, khi xây dựng phương án tuyển sinh năm 2023-2024, nhà trường đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà giáo, phụ huynh để điều chỉnh theo hướng thuận lợi cho học sinh thành: Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện trở lên trong các năm tiểu học.

Các tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GD&ĐT, đảm bảo lựa chọn được những học sinh hình thành và phát triển toàn diện những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Với việc điều chỉnh tiêu chí như vậy, số lượng hồ sơ hợp lệ đã tăng lên rất nhiều so với các năm trước.

Bảng điểm từ lớp 1 đến lớp 5 của một học sinh đạt toàn điểm 10, tổng điểm là 170.

Tuy nhiên, một số phụ huynh có con bị rớt từ vòng hồ sơ cho rằng, cách giải thích của Sở GD&ĐT vẫn chưa thoả đáng. Vì chiếu theo điều kiện tuyển sinh của nhà trường năm nay, học sinh được đủ điều kiện xét qua vòng hồ sơ nhưng vẫn bị nhà trường trả lại vì một môn Âm nhạc hay Mỹ thuật, Thể dục đánh giá Hoàn thành.

Một phụ huynh ở quận Cầu Giấy nói rằng, gia đình anh rất bất ngờ khi nhà trường thông báo hồ sơ con không đạt. Trước đó, gia đình rất tự tin vì điểm kiểm tra các môn từ lớp 1 đến lớp 5 của con đạt toàn điểm 10, tổng điểm là 170 và rất nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Cụ thể, năm lớp 1, con được đánh giá Hoàn thành tốt các nội dung học tập vì có 1 môn Thể dục đánh giá Hoàn thành và lớp 2,3,4,5 được đánh giá: Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện.

Phụ huynh này cho rằng, theo điều kiện tuyển sinh của trường năm nay đưa con anh đáp ứng được. Điều kiện tuyển sinh cũng không nói rõ, môn Thể dục, Âm Nhạc hay Mỹ thuật đánh giá: Hoàn thành hồ sơ sẽ bị loại.

“Để chuẩn bị đến vòng hồ sơ này, con và gia đình đã mất rất nhiều thời gian, công sức để đi ôn luyện thi. Do đó, khi bị loại hồ sơ, con rất buồn, không thể ngủ được”, anh nói.

Điều kiện dự tuyển thế nào?

Liên quan đến sự việc, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội nói rằng, theo Thông tư 22 thì phần khen thưởng chỉ có 2 nội dung gồm: Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện Học sinh có thành tích vượt trội về một môn học hay năng lực phẩm chất nào đó.

Cụ thể, để đạt được danh hiệu: Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện thì điều kiện là các bài kiểm tra, đánh giá môn chấm điểm đạt từ 9 trở lên; các môn nhận xét bằng lời được đánh giá: Tốt.

Khi đủ các điều kiện như trên, học sinh sẽ được danh hiệu là: Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện. Còn chỉ cần một môn nào đó đánh giá là Hoàn thành hay năng lực, phẩm chất được đánh giá là: Đạt thì giáo viên sẽ tự ghi nhận xét và phần khen thưởng thường dựa vào năng lực nổi trội để khen. Ví dụ như: Học sinh có năng lực nổi trội môn Toán, học sinh có năng lực nổi trội môn Tiếng Việt…

Và Thông tư 30 quy định, vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau: Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Theo phương án tuyển sinh lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2023-2024, ở vòng hồ sơ học sinh phải đạt 167 điểm trên tổng 17 bài kiểm tra các môn cuối năm học. Điều này đồng nghĩa, các em chỉ được phép có tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10, hồ sơ mới lọt qua vòng sơ tuyển để tiến vào vòng 2 thực hiện bài kiểm tra, đánh giá năng lực 3 môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt.

Như vậy, ngoài điểm số cần đạt, học sinh cũng phải đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất đạt: Hoàn thành Tốt trở lên mới đủ điều kiện.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo nhà trường triển khai thực hiện công tác tuyển sinh và tổ chức giảng dạy theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và của Sở, đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bậc cha mẹ học sinh để nghiên cứu trong những năm học tới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí tạo thuận lợi cho học sinh; đảm bảo lựa chọn được những học sinh có năng khiếu, tư chất và năng lực tốt.