> Làng mới Sông Chàng ở non cao
> Những đôi trẻ dựng làng ở rừng
Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ nằm bên trục đường Hồ Chí Minh nối Đông Giang với Nam Giang được xây dựng năm 2001 trên diện tích 628ha. Năm 2008, làng chính thức được Tỉnh Đoàn Quảng Nam bàn giao cho xã Ma Cooih và huyện Đông Giang quản lý. Ông Alăng Trách, Chủ tịch UBND xã Ma Cooih, lắc đầu: “Cuối năm 2008, A Sờ còn 102 hộ. Nay chỉ còn 45 hộ ở ổn định, 14 hộ còn nhà nhưng không ở, số còn lại bỏ làng đi đâu không ai rõ”.
Tuyến đường chính dẫn vào làng hai bên là những vườn cây um tùm cỏ dại. Lác đác vài nhà mở cửa, số còn lại bỏ hoang hoặc khóa cửa im lìm. Ngay trung tâm của làng, ngôi nhà gắn biển: “Công trình sinh hoạt cộng đồng làng TNLN A Sờ” giờ trơ lại bộ khung, cỏ dại mọc kín lối vào. Mái tranh rách toác, gỗ phơi nắng mưa lâu ngày đã mục gần hết.
Nhà A Lăng Diên, trưởng thôn A Sờ, nằm đối diện trung tâm sinh hoạt cộng đồng. “Bỏ đi hết rồi. Giờ còn 45 hộ, trong đó 35 hộ là người dân tộc Cơtu. Sống không nổi nên kéo nhau bỏ làng đi hết. Làng chỉ có 2 hộ là không nghèo, một chăn nuôi, một có xe tải chở cát sỏi. Còn lại nghèo hết, Dân làng sống bằng nương rẫy, anh Diên nói.
Theo vị trưởng thôn, làng có điện, có đường nhưng nước mấy năm nay không có một giọt, dân bản xứ còn bám lại được, chứ người từ nơi khác đến thì không chịu nổi. Mấy năm trước có nước tự chảy nhưng mưa bão hỏng hết, dân làng phải tự làm bể hứng nước mưa và chở nước suối về dùng. “Họ bỏ làng về xuôi, mở quán, làm vặt có thu nhập hơn nhiều”, anh Diên nói.
Cầm danh sách các hộ bỏ làng, Chủ tịch A Lăng Trách nói: “Sắp tới, huyện và xã sẽ thu hồi đất, vườn những hộ đã bỏ đi để cấp cho các hộ dân có nhu cầu đất ở. Nhưng dân ở lại làng hay không thì tôi cũng chưa dám chắc. Từ năm 2007 bắt đầu rút vốn dự án thì dân cũng bắt đầu rút dần. Đi hay ở là quyền của họ, mình làm sao bắt ép được. Phong tục, cách thức làm ăn không phù hợp nên họ bỏ đi là bình thường”.