Sáng 27 Tết, nhiều bà nội trợ ngỡ ngàng trước giá mới được thiết lập. Giá một bó hoa ly 10 cành có giá dao động từ 450-900.000 đồng.
Có mặt ở chợ hoa Quảng Bá và Mai Dịch, nhiều người giật mình vì giá các loại hoa được ưa chuộng trong ngày Tết như hoa ly, hoa cúc, hoa hồng, tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày hôm qua.
Cầm trong tay bó hoa ly vàng 10 cành, cô Đỗ Thị Dung (Mỹ Đình) cho biết, mới hôm qua bó hoa này chỉ 500.000 đồng nhưng hôm nay được “hét ” với giá 900.000 đồng.
“Dù đắt nhưng vẫn phải cố mua, nghe nói chiều nay rét về thì hoa tươi còn đắt nữa. Mỗi ngày mỗi giá, mua nhanh không lại đắt”- cô Dung chia sẻ.
Không chỉ có hoa ly tăng giá chóng mặt mà hoa cúc cũng tăng từ 20.000 đồng/10 bông lên 50.000 đồng/10 bông; hoa hồng 30.000 đồng lên 50.000 đồng/10 bông; hoa loa kèn trắng tăng từ 100 nghìn lên 150.000 đồng/20 bông; hoa lay ơn giá tăng từ 80.000 đồng/bó lên 110-150.000 đồng/bó.
Nhiều tiểu thương ở chợ hoa Quảng Bá, Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, hoa tươi “xịn” (không ướp đá) lúc nào cũng có giá và càng mua muộn giá càng đắt: “Bó hoa ly này mai ngày kia có giá 1 triệu hoặc hơn là chắc”- cô Hạnh bán hoa ly ở chợ Mai Dịch khẳng định chắc nịch.
Dù không mỗi ngày một giá nhưng tại các siêu thị giá hoa ly hoa cúc cũng khá cao nhưng giá ổn định. Cụ thể, tại siêu thị Metro, giá hoa ly là120 nghìn/1 cành; 130 nghìn đồng/5 cành tuylip và một chậu cúc nhỏ là 65 nghìn.
Thịt, hải sản, giò đều tăng giá
Sáng 27 Tết, tại các chợ Châu Long, Thành Công, Dịch Vọng,… giá thịt bò, thịt lợn đều ở mức giá cao so với vài ngày trước từ 10-20%.
Cụ thể, giá một kg thịt bò dao động từ 280-500.000 đồng/kg, đắt nhất là lõi rùa giá từ 500.000 đồng/kg nhưng cũng khan hàng.
Có mặt tại chợ Thành Công sáng nay, bác Đỗ Thị Thịnh (Đê La Thành) cho biết, muốn mua 1 kg lõi rùa để ăn lẩu trong mấy ngày Tết nhưng không mua đủ: “Đã xác định đi sớm rồi mà chỉ còn vài lạng, đành mua thêm thịt bò bắp hoặc thăn ăn thêm”- bác Dung cho biết.
Không chỉ thịt bò, thịt lợn tăng giá mà cua biển, tôm sú, ngao đều tăng giá. Cua, tôm sú đều có giá từ 500-550.000 đồng/kg, ngao đen và trắng dao động từ 25-30.000 đồng/kg,..
Giò cũng được nhiều bà nội trợ chọn mua trong buổi sáng ngày 27 Tết. Tuy nhiên, mỗi nơi một giá. Giò lụa, giò gà có giá từ 150-170.000 đồng kg, giò bò, giò bê giá từ 230-250.000 đồng/kg.
Tại siêu thị Metro, giò có giá cao hơn các chợ của Hà Nội. Cụ thể, giò gà Ước lễ có giá 209.000 đồng/kg, giò lụa 161 nghìn đồng/kg, giò xào 179.000 đồng/kg, giò bò 235.000 đồng/kg,…
Bia và nước ngọt cũng mà mặt hàng đắt khách trong những ngày giáp tết. Bia Heniken giá 380.000 đồng/thùng loại 330ml, bia Hà Nội, bia 333 có giá 220.000 đồng/thùng, Bia tiger có giá 270.000 đồng/kg,…
Các loại bia ngoại cũng của Nhật, Đức, Hà Lan cũng được nhiều người ưa chuộng nhưng giá thường đắt gấp đôi các loại bia nội.
Quất, đào chờ người mua
Sáng nay, tại điểm bán đào, quất như làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu; trên đường Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân chỉ ít khách vào hỏi mua.
Bác Đỗ Văn Mười, người bán quất từ Hưng Yên than thở: “Từ sáng đến giờ người ngắm cũng ít mà người mua thì đếm trên đầu ngón tay. Có vài chục gốc quất mà đang lo ế”.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Cường (Đông Ngạc, Hà Nội) là năm thứ hai anh trồng và có quất bán. Tuy nhiên, tổng số 200 gốc giờ anh mới bán được 50 gốc.
“Năm ngoái đến 27 Tết tôi đã bán buôn được 130 gốc và chỉ còn vài chục gốc xấu phải bán lẻ thôi. Nếu mai kia mà người đi mua không đông thì tôi sợ ế lắm. Giá quất chưa có dấu hiệu tăng giá gì cả ”- anh Cường rầu rĩ cho biết.
Cùng chung “phận” ế ẩm như quất còn có đào, mai. Tại chợ Châu Long (Hà Nội) hay chợ Quảng Bá, trên đường Lạc Long Quân, sáng nay, giá một cành đào đẹp có giá từ 250.000 – 400.000 đồng/cành nhỏ và trên dưới 1 triệu đồng cho những cành lớn. Các cây đào, chậu mai đẹp vẫn có giá vài triệu đồng.
Cô Đỗ Thị Châm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình nghỉ hưu không có tiền, mà con trai con dâu năm nay đều bị cắt giảm lương nên đến hôm nay vẫn chưa muốn mua đào quất trang hoàng như Tết mọi năm. Cái gì cắt giảm được thì cắt thôi”.