Họa sĩ kể chuyện bày tranh Trump ở Nhà Trắng

TP - Trần Lâm Bình đánh dấu tuổi 40 bằng triển lãm Lững lờ tại Hà Nội (V-Art Space, đến 15/11), sau đó sẽ mang sang Pháp. Triển lãm là cuộc tổng duyệt một số phong cách nổi bật anh đã thi triển trong suốt thời trẻ. Sau đây anh sẽ chuyên tâm vào “một thứ khác hẳn”, nhưng vẫn tiếp tục vẽ Donald Trump.

Triển lãm gồm các bức sơn dầu và acrylic khổ lớn và một số tượng gốm theo các phong cách trừu tượng lập thể hoặc hiện thực ấn tượng. “Lững lờ tổng hợp mọi cái trong con người tôi từ xưa đến giờ - náo loạn bùng nổ”, họa sĩ gốc Quảng Bình cho hay. Anh quyết khép lại một thời kỳ không phải vì mất cảm xúc mà từ giờ trở đi chỉ vẽ những gì thực sự tâm đắc. “Đã đến độ mình phải quyết liệt, không còn kiểu vui chơi sảng khoái của tuổi trẻ. Tôi dừng lại để dồn năng lượng cho chặng đường mới. Để sau này không có gì phải hối tiếc”, anh nói.

Nhưng riêng loạt tranh làm nên “thương hiệu” Trần Lâm Bình, anh vẫn tiếp tục. Đó là dự án nghiên cứu cựu tổng thống Donald Trump ở mọi góc độ, trạng thái cảm xúc. Dù sự nghiệp chính trị của Trump có thế nào thì Trần Lâm Bình sẽ không ngừng dõi theo và phản ánh các trạng thái của ông bằng tranh. Bình tự tin có nhiều người vẽ Trump nhưng chắc khó ai có thể vẽ xuyên suốt như anh.

Khi Trump bắt đầu ra ứng cử tổng thống lần đầu tiên, ngoại hình và cá tính của ông đã khiến Bình cảm thấy có sự đồng điệu. Anh bắt đầu vẽ chân dung Trump theo phong cách tiêu biểu của nước Mỹ từ cuối những năm 1950 là pop-art. Những bức tranh sặc sỡ sinh động này đã lọt mắt doanh nhân Hùng Cửu Long (doanh nhân Lê Đình Hùng). Và ông Hùng quyết định rót vốn cho dự án này. Cũng nhờ đó mà Bình có 5 năm thư thả để không chỉ vẽ tầm 500 chân dung Trump mà còn 44 đời tổng thống Mỹ còn lại.

Trần Lâm Bình tại Florence Bienale 2019

Bình không cho rằng mình “đổi đời” nhờ vẽ Trump nhưng anh thừa nhận sự nghiệp đã có bước đột phá nhờ nhân vật này. Cuối 2019, Bình dùng các bức vẽ Trump để ứng tuyển Florence Bienale - Triển lãm Nghệ thuật quốc tế diễn ra 2 năm một lần tại Ý, đúng vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonard De Vinci. Anh trở thành đại diện duy nhất cho Việt Nam cũng như cho cả Đông Nam Á có mặt với ba bức chân dung tổng thống Mỹ.

Nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam đầu 2019, tác giả loạt tranh vẽ cả hai nhà lãnh đạo được lên kênh Fox News. “Nói chung cũng cảm ơn Trump cho tôi ra thế giới”, Trần Lâm Bình cười. Và nhớ khi mới thổ lộ với vài đồng nghiệp về dự định vẽ Trump khi đó còn chưa thành tổng thống anh đã bị cho là “thần kinh”, “bất bình thường”: “Họ cho rằng tôi vẽ để mong ông ấy mua tranh mình”…

Tuyên bố từng bị cho là “hoang tưởng” của Bình là sẽ đem tranh Trump sang Mỹ bày thế mà lại thành hiện thực. Anh được Nhà Trắng chấp nhận cho bày tranh một ngày trong khuôn viên đúng vào sinh nhật đầu tiên của tân tổng thống: 14/6/2017. Sau buổi đó, ngoài một tỷ phú là bạn của ông Trump mua cho một bức lớn, Bình bị “thất lạc” 10 bức nhỏ. “Bé nhưng cũng chừng 60cm X 60cm, răng mà hắn cầm được, tài đấy chứ. Thôi kệ, mất tranh cũng là một thành công”, Bình cười nhớ lại.

Thực ra mà nói, ngoài Trump thì Hùng Cửu Long cũng là tác nhân quan trọng trong bước đường ra thế giới của Bình. Nhờ góp vốn của ông Hùng mà Bình có sự tập trung cao độ cho dự án chân dung không giống ai. Hai anh em đồng hành gần 3 năm. Kho chân dung Trump và các tổng thống Mỹ trở thành tài sản chung của hai người, vẫn được trưng bày như một bảo tàng nhỏ ở tư gia của ông Hùng. “Ai giữ cũng được nhưng để chỗ anh Hùng an toàn hơn”, Bình nói. Bản thân Bình vi vu giữa 3 xưởng vẽ tại Hà Nội, Huế và TPHCM. Vì theo anh, thay đổi không gian làm việc cũng có thể góp phần làm thay đổi tư duy.

Bình cho hay mối quan hệ tương hỗ giữa nhà sưu tập/nhà đầu tư với họa sĩ hiện khá phổ biến. Nó khá quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ, nhưng anh khẳng định đam mê và sự quyết liệt vẫn đóng vai trò quyết định. Sự đầu tư này thường diễn ra trong một giai đoạn với một dự án xác định chứ không giống bảo trợ suốt đời như thời phong kiến ở châu Âu.

Trưng bày chân dung Donald Trump trong khuôn viên Nhà Trắng của Trần Lâm Bình. Ảnh: NVCC

“Từ xưa tôi không biết nhưng 5-10 năm trở lại đây nhiều nhà sưu tập đầu tư cho họa sĩ, từ đó đẩy họa sĩ bằng nhiều cách khác nhau”, Bình nói. Như việc đưa triển lãm Lững lờ sang Pháp nếu không có nhà đầu tư thì Bình cũng khó mà kham nổi. Riêng việc tổ chức tại Hà Nội đã ngốn của anh hơn tỷ đồng, trong đó in vựng tập tốn hơn trăm triệu.

Bình từng có kỷ niệm nhớ đời với một mạnh thường quân. Sau chuyến đi Ý về Bình gặp và cảm ơn họ vì đã tài trợ cho mình 60 triệu đồng. Hóa ra số tiền đó là 500 triệu đồng nhưng đã bị “khâu trung gian” ăn chặn. “Nghệ sĩ không có tài chính không bao giờ làm được nghệ thuật, kể cả tài năng đến mấy. Trừ phi mình chọn đúng con đường và phải biết hi sinh cho con đường của mình thì họa may. Tầm tuổi tôi hồi trước nhiều người cũng ghê gớm mà rồi đều đứt gánh, bỏ nghề hết”, Bình nói.

Theo Bình, trong thế giới phẳng ngày nay việc gặp gỡ nhà sưu tập, nhà đầu tư không khó. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ tác phẩm của họa sĩ có thực sự mạnh, thể hiện chính con người anh ta hay không.