Hòa Bình chi 960 tỷ đồng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025

TPO - Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là huyện nghèo Đà Bắc.

Theo Quyết định số 1392/QĐ-UBND, ngày 12/7/2022 của UBND tỉnh, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 của tỉnh khoảng 960 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trên 847,2 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương khoảng 84,7 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 28 tỷ đồng.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp được đầu tư từ vốn vay chính sách cũng giúp gia đình chị Hà Thị Hiên (Ba Lầm, Nuông Dăm, Kim Bôi) từng bước ổn định cuộc sống.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là huyện nghèo Đà Bắc. Đối tượng thực hiện là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo...

Các dự án của Chương trình sẽ được triển khai, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.

Thông tin từ UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, giai đoạn 2016-2020 tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24,38% xuống còn 8,6% năm 202. Bình quân mỗi năm giảm được 3,16% đạt 105% chỉ tiêu kế hoạch giao (chỉ tiêu đề ra mỗi năm giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo). Năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,24%.

Ngân hàng CSXH chi nhánh Hòa Bình hiện đã và đang thực hiện 20 chương trình cho vay ưu đãi. Giai đoạn 2017 đến tháng 12.2021 đã cho 173.286 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay là 5.247 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Trong đó có 39.609 lượt hộ nghèo, 29.817 lượt hộ cận nghèo, 13.746 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn.