Cách đây 42 năm, lần đầu tiên "Họa bì" được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Năm 1993, Họa Bì được tái dựng một lần nữa trên màn ảnh rộng với sự tham gia diễn xuất của: Hồng Kim Bảo, Trịnh Thiếu Thu, Vương Tổ Hiền…Bộ phim được đánh giá khá cao, nhất là về mặt doanh thu khi đem về hơn 1,3 triệu đô la HK.
Vào năm 2008 này, câu chuyện "Họa bì" trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị vẫn chứng tỏ được sức hút của nó khi đạo diễn Trần Gia Thượng quyết định tái dựng câu chuyện kinh dị này thành một bộ phim hoành tráng, có thể được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh lớn nhất trong năm 2008 của Trung Quốc.
Thật khó để có thể so sánh 3 phiên bản điện ảnh khác nhau của "Họa bì" (1966 -1993 -2008), bởi 3 bộ phim được sản xuất vào những thời kỳ khác nhau của Hồng Kông và Trung Quốc với những điều kiện chính trị xã hội cũng như điều kiện kỹ thuật khác nhau.
Đạo diễn Trần Gia Thượng
Trần Gia Thượng (Gordon Chan) sinh năm 1960, tại Hồng Kông. Ông từng làm đạo diễn cho hơn 30 bộ phim, từng đóng vai trò là nhà biên kịch cho một số lượng phim tương tự và kiêm cả chức nhà sản xuất cho gần 20 phim.
Ông là Chủ tịch Giải thưởng phim và Hội Đạo diễn Hồng Kông, tên tuổi của Gondan Chan luôn khiến cho giới nhà nghề nể trọng.
Giải thưởng và đề cử cho Gordan Chan:
- Đoạt giải Kịch bản hay nhất tại Lễ trao giải do Giới phê bình Hồng Kông bình chọn với phim A1 vào năm 2005.
- Đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải phim Hồng Kông với phim Beast Cops vào năm 1999.
- Đoạt giải Hình ảnh đẹp nhất tại Lễ trao giải phim Hồng Kông với phim Beast Cops vào năm 1998.
- Đoạt giải nhì Phim Châu Á hay nhất tại Liên hoan phim Châu Á mở rộng (phim Beast Cops – 1998)
- Đoạt giải Kịch bản hay nhất tại lễ trao giải phim Hồng Kông (phim First option - 1997)
- Đoạt giải Kịch bản hay nhất tại Lễ trao giải phim Hồng Kông (phim Heart to Hearts 1989)
Họa Bì (1966): khán giả có thể đánh giá cao về mặt nội dung của bộ phim khi nó chuyển thể hầu như nguyên vẹn "Họa bì" từ tác phẩm văn học lên phim ảnh.
Tuy nhiên, bộ phim "Họa bì" lúc bấy giờ hầu như chỉ được biết đến tại chính quốc.
Họa bì (1993): Đây là thời kỳ kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị cho việc Hồng Kông sáp nhập về Trung Quốc (1997). Điện ảnh vì thế cũng phát triển.
Đây cũng được xem là thời kỳ của những bộ phim lịch sử và kiếm hiệp.
"Họa bì" (1993) đã khiến nhiều khán giả bị lôi cuốn bởi diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội của thập niên 80 như: Trịnh Thiếu Thu, Vương Tổ Hiền…
Họa bì (2008): Ngay từ khi vừa bấm máy, "Họa bì" đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, báo chí trong và ngoài nước.
Việc quy tụ dàn diễn viên ngôi sao của Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc và cả diễn viên gốc Hoa đang thành danh tại Hollywood như: Chung Tử Đơn, Trần Khôn, Châu Tấn, Triệu Vy, Tôn Lệ, Thích Ngọc Võ…đã cho thấy mức độ hoành tráng của bộ phim.
Việc đoàn làm phim từ chối tiết lộ nội dung phim trước ngày khởi chiếu cũng gây nên sự tò mò không nhỏ cho khán giả.
Ngoài ra, đây cũng là bộ phim tốn khá nhiều bút mực của báo chí trong năm 2008, từ vụ kiện tụng về bản quyền kịch bản của đạo diễn Tiền Vĩnh Kiện đến thông tin "Họa bì" “đạo nhạc”…
Lễ trao giải Oscar lần 81sẽ diễn ra vào ngày 22/02/2009 tới, "Họa bì" của đạo diễn Trần Gia Thượng đã Hội đồng Công nghiệp Điện ảnh Hồng Kông chọn để tranh giải Oscar năm 2009 ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Điện ảnh Hồng Kông đang hi vọng "Họa bì" sẽ làm được điều bất ngờ tại Oscar lần này bởi kịch bản mới lạ. Phim "Họa bì" đã được chiếu tại Việt Nam từ ngày 24/10 và ngay lập tức đã xuất hiện những phản ứng khác nhau về bộ phim.