Lắp thang thoát hiểm
Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) là một trong những khu vực có nhiều chung cư mini. Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua, cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều chủ đầu tư đã làm thang thoát hiểm bên ngoài.
Nhà số 12/39 Đình Thôn, nhà số 7 Đình Thôn… lắp thang thoát nạn kiên cố dọc theo chiều cao tòa nhà. Nhà số 35 Đình Thôn dù mặt tiền rất nhỏ nhưng cũng đã lắp thang thoát hiểm bên ngoài.
Chủ một căn nhà cao tầng tại Đình Thôn cho biết, gia đình đã đặt thiết bị PCCC cần thiết ở mỗi tầng như mặt nạ chống độc, bình chữa cháy. Gia đình cũng tận dụng mặt ngoài ngôi nhà lắp thang thoát hiểm hình zíc zắc với chiều rộng khoảng 80cm làm bằng inox. Trong đó, phần thang thoát nạn từ tầng 1 đến tầng 6 được thiết kế dễ dàng gấp gọn, cơ động. Chi phí lắp đặt hơn 100 triệu đồng.
Tại Xóm Lẻ (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), nhiều chủ nhà ở cao tầng cho thuê đã đầu tư làm thang thoát hiểm ngoài trời, như tại các nhà số 11/73 Tân Triều, nhà số 30A...
Tại căn nhà số 30, chủ nhà đang tập kết vật liệu, thang thoát hiểm bằng Inox để lắp cho căn nhà cao 6 tầng. Bà Thảo, chủ nhà cho biết, sau vụ cháy vừa qua, gia đình thấy rất lo lắng nên đã quyết định đầu tư làm hệ thống thang bộ thoát hiểm ngoài trời. Dự kiến, chi phí làm thang thoát hiểm khoảng 70 triệu đồng.
Tại chung cư mini số 7 ngõ 125 Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), chủ đầu tư cũng mới lắp thang thoát hiểm. Theo ông Đặng Văn Quát, bảo vệ tòa nhà, gần đây, ngoài việc lắp thêm thang thoát hiểm bên ngoài, quản lý tòa nhà cũng đang lắp cửa ngăn khói từ tầng 1 và lắp lại hệ thống báo cháy.
Anh Nguyễn Văn Chinh, chủ một xưởng cơ sở cơ khí ở xã Tân Triều, cho biết, khoảng 2 tuần nay, số đơn hàng của xưởng tăng đột biến, chủ yếu là làm thang thoát hiểm ngoài trời cho người dân. Dù mỗi ngày công nhân làm đến 20h nhưng vẫn không hết việc, anh Chinh chia sẻ.
Không chỉ nhà cao tầng, chung cư mini, nhiều trường mầm non tư thục, nhà hàng, khách sạn cũng đã lắp thang thoát hiểm.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 3116 về việc triển khai Công điện số 825/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu bổ sung kiểm tra thêm đối với hai đối tượng nhà ở trong đợt tổng kiểm tra, bao gồm chung cư và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ. Đối với tất cả chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, phải tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Tại buổi diễn tập, tất cả các căn hộ, phòng trọ tại loại hình trên phải có ít nhất một người tham gia.
Trình phương án hỗ trợ nạn nhân vụ cháy
Ngày 10/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân cho biết, sau một thời gian vận động cộng đồng quyên góp ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini, đến nay Ủy ban MTTQ quận tiếp nhận được hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ phường Khương Đình tiếp nhận được hơn 80 tỷ đồng. MTTQ quận đã gửi báo cáo cũng như đề xuất các phương án hỗ trợ nạn nhân vụ cháy.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, cho biết, đến nay thành phố đã có những chính sách hỗ trợ cao nhất cho các nạn nhân vụ cháy.
Tại kỳ họp 13, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết với 7 nhóm chính sách để sớm hỗ trợ các nạn nhân. Đối với số tiền người dân ủng hộ nạn nhân vụ cháy, theo ông Trường, thông qua kênh MTTQ, đến nay Ủy ban MTTQ thành phố, MTTQ quận Thanh Xuân, MTTQ phường Khương Đình đã tiếp nhận được trên 110 tỷ đồng.
Về phương án hỗ trợ các nạn nhân, ông Trường cho biết, Ủy ban MTTQ thành phố đã có báo cáo gửi Thành ủy Hà Nội. Trong đó, Ủy ban MTTQ thành phố đã đề xuất phương án hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Khi có ý kiến của Thành ủy, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ công bố thông tin và triển khai thực hiện.
“Trong vụ việc này, có nhiều đối tượng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, phải có phương án khác nhau làm sao cho phù hợp nhất với số tiền mà đã vận động được”, ông Trường nói.