> Kim Jong Un: quân đội ở biên cương phải cảnh giác
Vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên lại vừa có thêm tình tiết mới khi Bình Nhưỡng, ngày 29-2, thông báo tạm hoãn chương trình hạt nhân và đồng ý cho các thanh sát viên quốc tế trở lại.
Đây quả là bước tiến vượt bậc của Triều Tiên trong vài năm gần đây. Nhưng từ tuyên bố tới hành động là cả một quãng đường dài mà thường thì (riêng trong các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên) lại chẳng đạt kết quả gì. Song dẫu sao thế giới cũng nên hy vọng.
“Nhỏ” nhưng “quan trọng”
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29-2 ra thông báo, CHDCND Triều Tiên chấp nhận hoãn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cũng như cho ngừng các hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon.
Thông báo của Washington đã được thông tấn xã chính thức Triều Tiên (KCNA) xác nhận và đánh giá đây là một “bước tiến quan trọng”.
KCNA cũng cho biết Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại để giám sát thực hiện quyết định tạm hoãn hoạt động làm giàu uranium.
Đổi lại, CHDCND Triều Tiên được Mỹ cam kết viện trợ 240 nghìn tấn lương thực.
Như vậy, sau 10 năm giằng co thương lượng về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, có thể nói đây là một bước tiến mới đáng ghi nhận. Tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngay sau đó đã lên tiếng đánh giá kết quả cuộc đối thoại Mỹ – Triều Tiên là tiến bộ quan trọng và đáng “khích lệ”.
Các nước tham gia bàn đàm phán 6 bên cũng đã có những phản ứng tích cực về quyết định của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ: “Đó là bước đi bé nhỏ đúng hướng đầu tiên”.
Tuần trước, Bình Nhưỡng và Washington đã tiến hành đàm phán tại Trung Quốc nhằm nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.
Giải thích thế nào về quyết định bất ngờ của CHDCND Triều Tiên? Các nhà quan sát cho rằng ba tháng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ trần, quan hệ hai miền Triều Tiên đang bắt đầu được hâm nóng.
Mỹ đã thông báo khôi phục lại quá trình viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên.
“Bước đột phá đáng kinh ngạc này” giúp cho tân lãnh đạo Kim Jong-un tìm được nguồn viện trợ lương thực quan trọng vào thời điểm kinh tế đất nước đầy khó khăn, lại sắp diễn ra kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành vào ngày 15-4 tới.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã mở cánh cửa theo hướng tiến đến sự xóa bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Cũng theo giới bình luận, bước đột phá này là điểm tiếp nối của quá trình xoa dịu tình tình được bắt đầu vào mùa hè năm rồi khi ông Kim Jong-il còn sống, tức là được tái khởi động sau vụ căng thẳng đến từ việc miền bắc thử hạt nhân năm 2009 và nã pháo vào một hòn đảo của miền Nam hồi năm ngoái.
Một giáo sư Hàn Quốc nhận định: “Họ đã hiểu được việc cần thiết của việc xóa bỏ thế cô lập và việc hạn chế lệ thuộc vào Trung Quốc”.
Trong khi đó, theo nhận định của các cơ quan tình báo phương Tây tại Séoul, mục đích chính của Kim Jong-un là tạm yên ổn trên mặt trận ngoại giao để tập trung ổn định tình hình trong nước trong giai đoạn đầy nhạy cảm của quá trình chuyển giao quyền lực.
Đây cũng là một thắng lợi cho Tổng thống Obama bởi vì ông cũng đang trong một giai đoạn vô cùng nhạy cảm: giai đoạn tìm cách làm chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ.
Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận rằng từ 20 năm nay, chiêu bài chấp nhận trở lại bàn đàm phán để đổi lấy lương thực đã được Bình Nhưỡng không ít lần sử dụng, và lần này có lẽ cũng thế.
Như vậy, viễn cảnh chấm dứt hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên còn khá xa vời. Chả thế mà, Washington vẫn tỏ ra thận trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói, “đây là những bước tiến khiêm tốn đầu tiên theo đúng hướng”, đồng thời khẳng định, Mỹ còn phải đánh giá trên hành động của Bình Nhưỡng. Về phần mình, Nhật Bản tỏ ra thận trọng hơn.
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba tỏ ý vui mừng trước bước tiến mới đạt được, nhưng đề nghị Triều Tiên phải có những hành động “cụ thể” cho những cam kết.
Đồng thời ông cũng nói rõ lập trường của Tokyo là phải giải trừ hạt nhân toàn bộ trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng phải ngừng hoạt động thực sự tất cả các cơ sở liên quan đến hạt nhân.
Hy vọng nào cho khu vực Đông Á?
Dân số CHDCND Triều Tiên chỉ hơn 20 triệu người, tài nguyên bình quân cao hơn Hàn Quốc và Nhật Bản, hơn nữa trong nước đã có hệ thống giáo dục, y tế hoàn chỉnh.
Đối với thị trường tư bản toàn cầu mang tính lưu động dồi dào, thị trường Triều Tiên mới nổi rõ ràng là thị trường đầu tư đầy tiềm lực và có sức hấp dẫn.
Một khi môi trường đầu tư được xác định, sau khi có được lòng tin của các nhà đầu tư, CHDCND Triều Tiên sẽ nhận được càng nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Các ngành công nghiệp chế tạo trình độ thấp, nguyên liệu thô… ở khu vực Đông Nam Á cũng sẽ chuyển một bộ phận sang CHDCND Triều Tiên, điều này có nghĩa là Triều Tiên sẽ gia nhập vào mô hình phát triển của châu Á.
Do có mối liên hệ tự nhiên với Trung Quốc, Hàn Quốc, so sánh với các nước Đông Nam Á, ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế CHDCND Triều Tiên đối với cục diện kinh tế châu Á tuy không quá sâu sắc nhưng cũng không thể coi nhẹ.
Triều Tiên hòa nhập vào xã hội quốc tế sẽ giúp cho sự ổn định của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, trong tương lai, các hình thức hợp tác mới như khu vực mậu dịch tự do Nhật Bản – CHDCND Triều Tiên – Hàn Quốc, khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – Nga – CHDCND Triều Tiên sẽ xuất hiện ở khu vực này, theo bước tiến của lợi ích kinh tế, chính sách của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên cũng sẽ có những thay đổi mang tính căn bản.
Nếu Trung Quốc giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, hướng đạo đường đi của ngoại giao Triều Tiên, có thể tạo ra cục diện ba nước lớn ở khu vực Đông Á: Trung Quốc – Nga – Mỹ, thêm vào đó là ba nước trung bình Nhật Bản – Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên.
Ba nước trung bình này sẽ trở thành vùng đệm hòa hoãn xung đột giữa ba nước lớn, sự thay đổi môi trường địa chính trị này cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới các lĩnh vực như giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế, giao lưu chính trị, tin tưởng an ninh.
Theo petrotimes.vn