> Trường đại học có điểm chuẩn thấp hút thí sinh
> Giảm hồ sơ, bớt thí sinh ảo
Phân tích tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh (HS) vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc cho thấy, có sự chênh lệch khá lớn giữa số thí sinh thi vào ĐH và CĐ; giữa thí sinh thi khối A, A1, các khối khác và khối C.
Ở Hà Nội làm một, tổng số HS năm 2013 là 165.545 so với 63.449 HS của năm 2012, trong đó HS thi vào ĐH chiếm 85,3 % và CĐ chiếm 14,7 %. Trong khi các khối A và A1 chiếm tới 48% tổng số HS dự thi (khối B: 16%, khối D: 26%) thì khối C chỉ chưa bằng 1/10.
Tỉnh Thanh Hóa có tới 87,6% số HS dự thi vào ĐH và chỉ có 12,4% số HS dự thi vào CĐ. Tỉnh này cũng có số HS dự thi vào các khối A và A1 chiếm trên 52,4% (khối B: 24,8 %) thì khối C chỉ chiếm 8,4%... Sự mất cân đối này cho thấy ĐH vẫn là cái đích cao nhất mà các thí sinh nhắm tới chứ không phải trường CĐ và khối C ngày càng teo tóp trước các khối A, A1, B và D.
Nhìn vào số HS dự thi của thí sinh từng trường có thể thấy, số HS Hà Nội thi vào Trường ĐH Công đoàn tăng gần gấp đôi, với 11.019 HS; các trường có số lượng HS giảm gồm ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông vận tải và Học viện ngân hàng, tuy nhiên, số lượng giảm không đáng kể.
Riêng số lượng HS của thí sinh Hà Nội thi vào trường ĐH kinh tế không những không giảm như dự đoán mà còn tăng đáng kể (7.784 HS so với 6.096 HS của năm 2012).
Quảng Ninh thu được 24.400 HS, giảm 1.000; Phú Thọ: 18.719 HS, giảm 2.240; Vĩnh Phúc giảm 4.185 HS; Nam Định giảm hơn 8.000 HS; Thái Bình giảm 5.000 HS; Hà Nam giảm 1.900 HS; Hải Phòng giảm hơn 4.000 HS. Riêng Thanh Hóa giảm sâu tới 16.000 HS. Nếu so với con số 90.342 HS của năm 2011 thì số HS giảm của tỉnh này là rất đáng kể.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Long, Phó phòng GD chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng: thông tin về 25.000 học sinh, sinh viên tỉnh này không có việc làm sau tốt nghiệp đã tác động không nhỏ tới tâm lý thí sinh năm nay: học tập tốn kém mà khó kiếm việc làm thì thí sinh dễ chọn con đường đi làm luôn nếu kinh tế gia đình khó khăn.
Ông Bùi Thanh Duy, chuyên viên Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT nói: Bước đầu cho thấy số lượng HS dự thi của các trường đều giảm. Điều này đồng nghĩa với số lượng thí sinh ảo giảm nhiều năm nay và một tiền lệ cho việc phân luồng: thí sinh học kém sẽ không lao vào ĐH một cách duy ý chí như trước mà vào học trường nghề hoặc ra đời đi làm luôn.