Đồng hồ giả hay còn gọi là đồng hồ fake không còn là khái niệm xa lạ với những người yêu đồng hồ. Theo công bố mới đây của một chuyên trang thẩm định đồng hồ thật thì trong 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả. Đồng hồ fake tràn lan trên thị trường ngày càng tinh vi, bởi vậy ngày càng có nhiều người tiêu dùng bị mua phải hàng giả, hàng nhái. Điều đáng nói, hầu hết những người đưa đồng hồ đến thẩm định đều tin chắc rằng đồng hồ của họ là hàng thật 100% bởi đều được mua tại các cửa hàng đề biển đồng hồ “chính hãng” hay thậm chí là các trung tâm thương mại lớn.
Một số chuỗi cửa hàng đồng hồ lớn, có uy tín đã có thêm các dịch vụ về thẩm định đồng hồ, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm của mình có phải hàng chính hãng hay không, cũng như tạo niềm tin trong mua bán. Tuy nhiên, mới đây người dùng có tên Vũ Ngọc Dũng đã chia sẻ câu chuyện khi mua phải một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Maurice Lacroix (một nhãn hiệu đồng hồ danh tiếng của Thụy Sĩ) fake mặc dù đã qua thẩm định tại 2 cửa hàng đồng hồ uy tín.
Theo chia sẻ của anh Dũng, khi phát hiện chiếc đồng hồ có nhiều điểm đáng ngờ, anh này đã mang đi kiểm tra tại hệ thống cửa hàng Xwacth. Nhân viên kỹ thuật ở đây khẳng định: Chiếc đồng hồ là hàng thật, bản limited (giới hạn), không đụng hàng với các bản khác. Đồng thời, còn cung cấp “Giấy chứng nhận” số hiệu: 5535 ngày 21/6 khẳng định chiếc đồng hồ là chính hãng.
Đến khi mua chiếc đồng hồ, người mua mới “tá hỏa” vì rất nhiều người am hiểu đồng hồ cho rằng đây là đồng hồ fake. Sau đó 2 ngày, ngày 23/6, hệ thống đồng hồ Xwatch đã gọi điện cho khách hàng để thẩm định lại chiếc đồng hồ. Hệ thống này cũng khẳng định có sai sót trong thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix. Đồng thời, xin đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh.
Có hay không việc bán giấy chứng nhận?
Sự việc trên đã khiến cho cộng đồng chơi đồng hồ vô cùng hoang mang, bởi ngay cả những chuỗi cửa hàng uy tín nhất cũng vô tình hay cố tình phạm sai lầm cơ bản trong thẩm định đồng hồ. Một số người đặt câu hỏi: Có bao nhiêu giấy chứng nhận đã “phù phép” đồng hồ giả thành thật để lừa người tiêu dùng?
Anh Lê Đức Minh (quận Ba Đình) bức xúc, thực tế một số cơ sở tự in một cái giấy chứng nhận thật giả rồi đóng dấu thu tiền dễ dàng coi thường người tiêu dùng. Đơn cử như Xwatch mỗi lần kiểm định thu 300 ngàn đồng, mỗi ngày hàng trăm máy thẩm định chỉ việc in giấy, mở nắp ra rồi lắp vào thu 300 ngàn, làm gì có kinh doanh nào lãi cao như vậy?! “Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên của Xwatch liệu có được đào tạo bài bản, kinh nghiệm để thẩm định đồng hồ?”, anh Minh đặt câu hỏi.
Chia sẻ tại một diễn đàn lớn chuyên đồng hồ chính hãng, anh Nguyễn Đức Lợi cho rằng: Xwatch cần có một cơ sở để người tiêu dùng chấp nhận tất cả những kết luận dựa trên “Giấy chứng nhận” mà doanh nghiệp cung cấp. Liệu Xwatch có đủ năng lực chuyên môn cũng như tính hợp pháp của “Giấy chứng nhận” nói trên?!
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Cty CP Xwacth quốc tế thừa nhận, có sai sót trong quá trình thẩm định chiếc đồng hồ mà phóng viên đề cập. Doanh nghiệp đã kiểm điểm bộ phận kỹ thuật đồng thời xin được đền bù khoản chênh lệch do sai sót gây ra.
Theo ông Sơn, việc thẩm định đồng hồ xuất phát từ nhu cầu được mua hàng thật của người tiêu dùng trong thị trường đa số là đồng hồ giả, nhái (chiếm tới 90%). Xwatch là đơn vị đầu tiên có bộ phận thẩm định miễn phí cho khách hàng, đảm bảo lịch ích cho người tiêu dùng. Từ năm 2016 đến năm 2018, đơn vị này đã thẩm định 555 chiếc đồng hồ có kèm giấy chứng nhận.
Khi PV đặt câu hỏi về sai sót kiểm định có thường xuyên hay không? Ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận: “Với mức độ làm giả ngày càng tinh vi như hiện nay, sai sót trong kiểm định là khó tránh khỏi, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng của đội ngũ thẩm định, cố gắng để sai sót không quá 2%”.