Hổ 'ăn thịt người' ở Ấn Độ bị bắn chết

Con hổ bị các nhà chức trách bắn chết ở khu rừng phía nam Ấn Độ đã giết và ăn thịt một nông dân vài ngày trước.
Con hổ bị bắn chết khi lao vào tấn công kiểm lâm viên. Ảnh: AFP.

BBC đưa tin, con hổ bị bắn chết khi vồ một kiểm lâm viên đang buộc con dê mồi nhử vào gốc cây trong khu rừng Bandipur, Karnataka. Theo các nhà chức trách, con hổ từng tấn công một người đàn ông khác cách đây một tháng.

Số lượng hổ hoang dã còn sót lại ở Ấn Độ hiện nay là 1.700 con. Ấn Độ có 100.000 con hổ cách đây một thế kỷ, nhưng số lượng hổ giảm mạnh kể từ sau đó do nạn săn trộm và môi trường sống thu hẹp.

Do con người ngày càng lấn sâu hơn vào các khu bảo tồn, những con hổ thường phải tranh giành nguồn tài nguyên rừng với dân làng xung quanh, dẫn tới xung đột.

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra hôm 18/11 khi hơn 60 cán bộ lâm nghiệp cùng đồng nghiệp từ Đội bảo vệ hổ đặc biệt đến để bắt con hổ. Vì hổ thường quay về chỗ cũ, cả đội buộc một con dê làm mồi nhử ở nơi con vật từng giết và ăn thịt người nông dân 55 tuổi.

Con hổ tránh mồi nhử nhưng để lại dấu chân đủ để cán bộ lâm nghiệp trang bị đạn và súng gây mê lần theo dấu vết. Con hổ bị giết ngay khi nó bất ngờ tấn công kiểm lâm viên Shiv Kumar.

"Khi Shiv Kumar đang cố gắng buộc chặt mồi nhử, chúng tôi đột nhiên nghe thấy tiếng hổ gầm và tiếng kêu thét của người kiểm lâm viên. Chính lúc đó, tay thiện xạ Sushil Kumar bắn trúng con vật", Ravi Ralph, trưởng phòng giám sát động vật hoang dã ở Karnataka, kể với BBC. Kumar được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không nguy hiểm.

Năm ngoái, trong khu rừng Doddabetta gần thị trấn Ooty, Tamil Nadu, công nhân trồng rừng đã bắn chết một con hổ giết ba phụ nữ trong hơn hai tuần.

Các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết phần lớn những vụ tấn công người là do tình cờ, và hiếm khi nạn nhân bị kéo đi như con mồi. Nhưng những vụ tấn công người hàng loạt và dồn dập là dấu hiệu cho thấy tình trạng ăn thịt người đang diễn ra.

Gần 85 người bị hổ giết hoặc gây thương tích mỗi năm ở Ấn Độ. Tổ chức bảo vệ động vật trong nước vận động bắt những con hổ thay vì bắn chết chúng. Tuy nhiên, các nhà quản lý rừng cho biết đôi khi hành động nhanh gọn là điều cốt yếu để bảo vệ tính mạng con người.

Theo Theo VnExpress