Hình ảnh nhiều hạng mục Vành đai 3 TPHCM 'đắp chiếu' 2 tháng do thiếu cát

Dự án Vành đai 3 TPHCM đang thi công những giai đoạn quan trọng, nhưng đang rơi vào tình trạng thiếu cát trầm trọng, nhiều hạng mục bắt buộc phải tạm ngừng hoạt động trong hơn 2 tháng qua.

Dự án Vành đai 3 qua TPHCM cần khoảng 9,3 triệu m3 cát đắp nền. Nhưng thực tế, các công trường chỉ mới có khoảng 0,4 triệu mét khối cát từ nguồn thương mại. Trữ lượng này không đáp ứng kịp tiến độ thi công.

Thiếu cát, các nhà thầu mới chỉ thi công được các hạng mục kết cấu cầu như cọc khoan nhồi, bệ thân trụ…

Ghi nhận của PV Dân trí trên công trường Vành đai 3 (đoạn qua khu vực phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), nhiều đoạn công trình đang "đắp chiếu" hơn 2 tháng qua. Phần đường chính cao tốc lẫn đường gom, các đường song hành nhiều tháng phải trì hoãn, chờ bơm cát.

Đại diện Ban quản lý dự án các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư - Ban Giao thông) cho biết, hiện nguồn vật liệu cát đắp nền chưa đáp ứng nhu cầu dự án Vành đai 3.

Khó khăn chủ yếu do các tỉnh đang ưu tiên cung cấp cát cho dự án của địa phương và các dự án cao tốc Bắc Nam. Việc hỗ trợ cát cho dự án Vành đai 3 TPHCM là chưa có chủ trương.

Cách khu vực có máy móc, công nhân nhộn nhịp thi công bệ, trụ cầu khoảng 1,4km, phần đường chính và đường song hành của dự án lại trong tình trạng nằm chờ, máy móc tạm ngừng hoạt động.

Tại các đoạn đang thiếu cát để thi công, nhiều máy móc dừng hoạt động nhiều ngày, công nhân một số hạng mục tạm nghỉ vì chưa thể tiếp tục công việc.

Toàn bộ đoạn đường này đã được đào vét hữu cơ, đắp bờ bao, đóng hoàn thiện phần cọc cừ tràm, hiện chỉ chờ cát đắp nền để thi công tiếp.

Do thiếu cát đắp nền, nhiều đoạn Vành đai 3 rơi vào tình trạng xây dựng bị đứt quãng.

Hạng mục này cũng còn vướng mặt bằng một số đoạn do người dân chưa đồng thuận giá bồi thường.

Đại diện liên danh nhà thầu - Công ty TNHH Tập đoàn Định An - cho biết, toàn bộ gói thầu xây lắp 3 (dài 3km với hai hạng mục chính là cầu và đường song hành, hệ thống thoát nước) cần khoảng 200.000 mét khối cát đắp.

Dự kiến tới tháng 10/2025, phần cầu cạn phải hoàn thành. Công trường hiện duy trì 12 mũi thi công với 152 công nhân và 43 kỹ sư mỗi ngày.

Tại gói thầu xây lắp số 3 (khu vực thuộc TP Thủ Đức), hạng mục cầu và đường song hành của dự án Vành đai 3 TPHCM đạt 14% tổng sản lượng. Cầu Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ nối 4 địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Tương tự, tại gói thầu xây lắp 8 thuộc Vành đai 3 TPHCM qua huyện Hóc Môn cũng đạt hơn 5% tổng sản lượng. Theo nhà thầu, do thiếu nguồn cát thi công nên tiến độ đã bị chững lại.

Các nhà thầu tại đây đang tập trung đẩy nhanh các hạng mục phần cầu tại cầu vượt TL9 và cầu N8 trong lúc chờ cát đắp.

Trong khi đó, tại gói thầu xây lắp 6, đoạn qua huyện Củ Chi đạt gần 20% tổng khối lượng. Đây là một trong 4 gói thầu chính của dự án được triển khai đầu tiên và có cùng mốc khởi công ngày 18/6.

Tổng chiều dài gói thầu xây lắp 6 qua huyện Củ Chi khoảng 6,7km, gồm hạng mục đường cao tốc, cầu vượt sông rạch, cầu vượt đường ngang, hầm chui qua tỉnh lộ 15.

Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành, địa phương và chỉ đạo lập tổ công tác tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát đắp nền cho dự án Vành đai 3 TPHCM.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT cùng các địa phương (Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh...) sớm công bố kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu cát đắp nền đường. Bộ GTVT, Bộ Xây dựng có trách nhiệm rà soát, công bố định mức, đơn giá cát biển làm cơ sở để các địa phương hoàn chỉnh thủ tục giao nhà đầu tư khai thác. Riêng Bộ Công Thương được yêu cầu báo cáo kết quả nghiên cứu đàm phán nhập khẩu cát xây dựng và cát đắp nền từ Campuchia.

Theo Dân Trí/Ảnh: Hải Long