Trưa ngày 14/8, chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) khá đông người đến mua rau củ, bún miến. Chị Liên (kinh doanh rau) cho biết: “Mới bán lại được vài ngày thôi nên cũng khá vắng khách. Rau củ đa số lấy dưới quê, nhờ các mới quen đưa lên chứ không còn chợ đầu mối. Tuy việc nhận hàng có phần khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng có đủ nguồn hàng, bán hàng đúng giá”.
Quan sát tại trong chợ, các tiểu thương đều trang bị vách ngăn để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, bán hàng combo, khách và tiểu thương đều “mua nhanh, bán gọn” từ 7 giờ - 10 giờ là vãn chợ.
Tuy nhiên, hàng hóa chưa phong phú, chủ yếu là tiểu thương kinh doanh rau, còn quầy hải sản và thịt tươi sống còn chưa phong phú.
“Trước đây, chợ không có ca mắc COVID-19 nhưng phải tạm ngưng hoạt động theo yêu cầu phòng dịch. Các chợ truyền thống tại quận Phú Nhuận đều đóng cửa. Đến hiện tại, Nguyễn Đình Chiểu là chợ duy nhất được mở lại trên địa bàn quận” – bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, thành viên Ban HĐQT chợ Nguyễn Đình Chiểu nói.
Theo bà Phương, chợ mở lại có 16 tiểu thương kinh doanh. Những tiểu thương này đã tiêm vắc-xin COVID-19, chia đều các ngành rau củ, thịt và hải sản đảm bảo giãn cách, gian hàng có màn ngăn…
“Mở lại chợ xác định sẽ rất cực vì ban quản lý phải đảm bảo chợ an toàn nhất có thể. Nhưng thà cực một chút mà bà con có chỗ mua sắm hàng thiết yếu giá tốt trong khi tiểu thương sau nhiều tháng phải tạm ngưng buôn bán cũng cần phải có thu nhập” – bà Phương cho biết.
Hiện chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cũng vừa hoạt động lại. Chợ này tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh. Chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) thì tạm thời tổ chức cho 4 tiểu thương hoạt động.
Trong tháng 8, chợ Bình Thới (quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng tái khởi động sau những lần “mở - đóng”. Ngoài thực hiện đầy đủ theo quy tắc 5K, chợ Bình Thới tổ chức bán hàng dã chiến ngoài trời, tiểu thương bán hàng combo (trọn gói) từ rau củ, thịt, trái cây; chợ Nguyễn Tri Phương yêu cầu tiểu thương xét nghiệm 5 ngày/lần, lắp màn chắn, chợ phun xịt khử khuẩn mỗi ngày để phòng dịch…
Theo Sở Công thương TP, hiện TPHCM có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ. Như vậy, Thành phố có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện vẫn đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.
Ngày 13/8 vừa qua, UBND TPHCM tiếp tục vừa gửi văn bản khẩn đến sở, ngành, quận huyện về xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Công Thương theo dõi, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn và các điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu.
Thành phố yêu cầu các địa phương bám sát các hướng dẫn của Sở Công Thương, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.
Ngoài ra, các địa phương phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công Thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.
Sở Công Thương TPHCM cho biết, mô hình mở lại chợ với quy mô nhỏ từ 10-20 gian hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống đang được triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều điểm chợ vẫn còn gặp khó mở bán trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt các chợ nằm trong khu dân cư đông đúc đang phải tạm ngưng trong thời gian dài.
Do đó, để hỗ trợ nguồn cung thực phẩm cho người dân, nhiều quận huyện cho biết sẽ tăng mạnh giải pháp bán hàng lưu động, hàng online, bán hàng theo nhóm.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chợ Nguyễn Đình Chiểu - chợ duy nhất vừa được mở lại tại quận Phú Nhuận trong thời gian gần đây: