Đã bao lần chúng ta đọc các tạp chí khoa học, xem chương trình truyền hình hoặc bước chân vào siêu thị - ở đâu cũng bị oanh tạc bởi thông tin có nội dung: các chất chống oxy hóa không chỉ phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể trước những bệnh nguy hiểm, mà còn kìm hãm quá trình lão hóa. Hệ quả vô số người đã không tiếc tiền tẩm bổ thực phẩm chức năng giàu vitamin C và E cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, cho dù “tuyệt vời chất chống oxy hóa, độc hại các thành phần tự do” đã trở thành khẩu hiệu dinh dưỡng của nhiều thế hệ, trong dư luận các nhà khoa học vẫn nảy sinh không ít câu hỏi về vai trò phức tạp, mà hai hợp chất hóa học này gắn bó với nhau thực hiện trong đời sống chúng ta. Những nghiên cứu mới đã cho thấy: những liều chất chống oxy hoá không hề phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể, trái lại – có thể gây độc hại nghiêm trọng.
Các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Cedars-Sinai Heart ở Los Angeles đã thông báo trên tạp chí chuyên ngành “Stem Cells” rằng, việc sử dụng các loại thuốc có tác dụng chống oxy hóa như vitamin C và E liều cao làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những biến đổi nguy hiểm trong tế bào con người. – Số lượng lớn chất chống oxy hóa thuộc dạng thực phẩm chức năng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư – chỉ đạo nhóm nghiên cứu, BS Eduardo Marban giải thích.
Lý thuyết stress
Trước khi tìm hiểu những lý lẽ của BS Marban, cần tổng kết kiến thức đã biết – hoặc chưa biết – về các thành phần tự do và các chất chống oxy hóa. Cơ thể chúng ta tạo ra những nguyên tó có tên là các thành phần tự do – chúng xuất hiện cả như sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất bình thường diễn ra trong cơ thể, cũng như dưới tác động của những nhân tố độc hại bên ngoài. Những phản ứng này, tức những nguyên tố dễ dàng tham gia các phản ứng hóa học, thường mang theo những nguyên tử oxy ở bên ngoài quỹ đạo electron đơn lẻ “không bị bay hơi”. Bởi lẽ các electron có thiên hướng xuất hiện theo cặp rất mạnh, thế nên các thành phần tự do thường tấn công các nguyên tố láng giềng, để tạo thành đôi. Các nguyên tố đã bị tấn công ngẫu nhiên trở thành những thành phần tự do mới – cơ chế khởi động phản ứng dây chuyền tiêu diệt tế bào của chúng ta.
Năm 1956 nhà khoa học Mỹ, GS Denham Harman ở California đã hình thành giả thiết cho đến nay vẫn là linh hồn chỉ đạo mọi nghiên cứu về quá trình lão hóa. Giả thiết cho rằng, sự già nua là hậu quả tích tụ của “stress bị oxy hóa” – những tổn thất do các thành phần oxy tự do tạo ra trong các tế bào của cơ thể. GS Harman cho rằng, những thành phần tự do này gây tổn hại cho nguyên liệu di truyền – thông qua việc làm gia tăng nguy cơ ngã bệnh ung thư – tạo ra các nguyên tố cholesterol, hợp chất ở dạng dễ tham gia các phản ứng của các phân tử chất béo có thể gây ra trạng thái viêm nhiễm bên trong động mạch dẫn đến tình trạng xơ vữa thành mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến não.
Hàng loạt nghiên cứu trong vài chục năm gần đây chứng tỏ: việc duy trì chế độ dinh dưỡng bao gồm nhiều thành phần rau xanh và hoa quả - thực phẩm giầu chất chống oxy hóa – phát huy tác dụng kéo dài tuổi thọ. Những nghiên cứu độc lập thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm cho thấy: các chất chống oxy hóa phát huy tác dụng kìm hãm các quá trình hóa học oxy hóa dạng này – hiện tượng vốn gắn liền với nhiều loại bệnh. Người ta đã rút ra kết luận từ thực tế, theo đó việc sử dụng các chất chống oxy hóa liều cao ở dạng thực phẩm chức năng sẽ phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể trước các bệnh của người cao tuổi.
Những tín hiệu báo động đầu tiên về hậu quả tai hại của cách hiểu vấn đề máy móc xuất hiện đầu thập kỷ 90, thế kỷ trước, khi các nghiên cứu trên phạm vi rộng của Viện Quốc gia nghiên cứu Ung thư Mỹ thực hiện mang lại kết quả bất ngờ: trái với hy vọng đinh ninh tốt đẹp, thực tế thực phẩm chức năng chống oxy hóa vitamin beta-caroten nổi tiếng làm gia tăng…nguy cơ xuất hiện bệnh ung thư phổi ở những người có thiên hướng dễ mắc bệnh này!
Đến giữa thập kỷ 90 không khí phấn chấn ban đầu gắn với những kỳ vọng vitamin E có khả năng ngăn cản các bệnh về tim, thực phẩm chức năng vitamin C có thể làm chậm quá trình già nua cũng xỉu dần. Kết luận đơn giản rút ra từ nhiều công trình nghiên cứu có nội dung: Không sử dụng các thực phẩm chức năng chống oxy hóa, bởi chúng không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp! – GS David Gems (Viện nghiên cứu Sức khỏe người cao tuổi thuộc Đại học London) khẳng định. – Mọi dấu hiệu đều cho thấy, lý thuyết “stress oxy hóa” không có cơ sở vững chắc. Chắc chắn còn nhiều nhân tố khác tác động đến quá trình lão hóa.
Không chỉ lý thuyết về tác động tích cực của chất chống oxy hóa bị tấn công. Vế thứ hai của phương trình, tức quan điểm cho rằng, cần vô hiệu hóa bằng mọi cách hoạt động của các thành phần tự do cũng gặp phải làn sóng phê phán gay gắt. Bởi sự thật các thành phần tự do cũng đóng vai trò quan trọng trọng hệ đề kháng, thông qua việc tiêu diệt các tế bào ung thư và tấn công các nhân tố gây bệnh. Theo kết quả những nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan thuộc Đại học Nijmegen, việc cung cấp các chất chống oxy hóa cho bệnh nhân ung thư có thể mang lại kết quả trái với mong muốn, bởi các thành phần tự do là đội quân cần thiết cho người bệnh để ngăn cản tình trạng nhân bản tế bào ung thư.
GS Malcolm Jackson (Đại học Sheffield) thậm chí còn cho rằng, việc duy trì số lượng nhất định các thành phần tự do trong cơ thể là nhu cầu cần thiết, để kích thích sự tạo ra số lượng nhất định chất chống oxy hóa hiệu quả cao.
Thực phẩm chức năng và hoa quả tự nhiên
BS Marban cùng cộng sự tình cờ phát hiện ra nguy cơ gắn liền với việc duy trì chế độ dinh dưỡng giầu chất chống oxy hóa trong quá trình họ nỗ lực tìm kiếm phương pháp hạn chế dị biệt di truyền phát sinh trong thời gian nuôi cấy tế bào gốc của tim trong môi trường ống nghiệm phục vụ nhu cầu thực nghiệm chữa trị một số bệnh tim. Tế bào gốc vốn được nuôi bằng những dưỡng chất có số lượng lớn oxy – tức đồng nghĩa với nguy cơ cao những biến dạng di truyền. Để giảm thiểu con số dị biệt di truyền có thể phát sinh, nhóm nghiên cứu đã cho thêm liều cao các chất chống oxy hóa vào thức ăn nuôi tế bào. Mọi người đã bị bất ngờ, khi chứng kiến con số các rối loạn di truyền tăng đột biến! Hiện tượng tương tự cũng diễn ra, khi cho thêm vitamin chống oxy hóa C và E liều cao (như liều dành cho con người vẫn sử dụng qua thực phẩm chức năng).
Lý giải hiện tượng trên BS Marban cho rằng, các chất chống oxy liều cao được cung cấp đã làm rối loạn hoạt động của enzim chuyên thực hiện nhiệm vụ sửa lỗi thường xuất hiện trong quá trình tái lắp ráp ADN trong thời gian phân chia tế bào. Nhà khoa học Mỹ cũng khẳng định, hỗn hợp vitamin C và E có thể phong tỏa hoạt động enzim chuyên sửa chữa nguyên liệu di truyền của chúng ta.
Sử dụng các chất chống oxy hóa tự nhiên nồng độ cao do chính cơ thể tạo ra như enzim katalaza, BS Marban đã lặp lại một cách thuyết phục thí nghiệm. Và lại xảy ra tình trạng phong tỏa enzim tham gia công việc sửa chữa những tổn thất nguyên liệu di truyền do các thành phần tự do gây ra.
Hãy trở lại cuộc sống thường nhật. – Quan niệm phổ biến cho rằng: Mỗi ngày uống một viên multivitamin tốt cho sức khỏe, nhưng vô số người sử dụng quá nhiều với suy nghĩ: một viên đã tốt, nhiều viên còn tốt hơn. Sự thực hoàn toàn ngược lại – BS Marban khẳng định. – Thực ra chỉ có thể thả sức hấp thụ các vitamin tự nhiên từ rau xanh và hoa quả. Bởi các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm tự nhiên không bao giờ độc hại. Thế nhưng sử dụng thực phẩm chức năng lại không an toàn.
* Các nguồn hợp chất chống oxy hóa tự nhiên
1- Cà rốt, cà chua, súp lơ, xà lách, mận khô, bí đao…giầu beta-caroten (bảo vệ trái tim, ngăn ngừa nguy cơ tai biến não, các bệnh ung thư, tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể).
2- Các loại trái cây mầu đỏ, cam chanh, bưởi, súp lơ, cải bắp…giàu vitamin C (trợ giúp khắc phục hen suyễn, viêm phế quản, quáng gà, bệnh mạch vành, các bệnh ung thư)
3- Các loại dầu thực vật, hạnh đào, đậu nành, hạt ngũ cốc, ngô, đậu xanh, sữa, bơ, pho ma, trứng gà... giầu vitamin E (bảo vệ tim và mao mạch)
4- Cam, dưa hấu, lê, cà chua…giàu glutanion (được coi là nhân tố ngăn ngừa ung thư quan trọng, có thể phòng chống bệnh mạch vành, quáng gà và hen suyễn)
5- Hành vàng và đỏ, nho đen…giàu kvercetyn (hỗ trợ ngăn ngừa và phòng chống ung thư, hen suyễn, phát huy tác dụng chống viêm nhiễm và chống nấm)
Khuê Minh
Tri Thức Trẻ