Hiệu "kiệu'

TP - Thực hiện thành công dự án Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ dùng cho sản phẩm củ kiệu của huyện Phù Mỹ (Bình Định), Trần Ngọc Hiệu được bà con trồng kiệu cảm kích, được bạn bè gọi là Hiệu “kiệu”.
Trần Ngọc Hiệu trên cánh đồng kiệu xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ).

Năm 2011, khi vừa về Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&KT (Sở KH&CN Bình Định), Trần Ngọc Hiệu được giao thực hiện dự án xây dựng và đăng ký độc quyền thương hiệu sản phẩm kiệu Phù Mỹ. Chàng trai không khỏi lo lắng, vì đây là dự án xây dựng nhãn hiệu đầu tiên của tỉnh, mọi thứ phải tự mày mò tìm kiếm tư liệu và thực hiện các quy trình.

“Không những là cán bộ có năng lực chuyên môn tốt, nhất là trong ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&KT, Trần Ngọc Hiệu còn là Đoàn viên năng nổ trong các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội do Đoàn Sở và Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Mới đây anh là một trong 2 thanh niên tiêu biểu toàn tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015 do Trung ương Đoàn trao tặng”.

Anh Nguyễn Ngọc Hóa, Bí thư Đoàn Sở KH&CN Bình Định

Phù Mỹ vốn được mệnh danh là thủ phủ kiệu của cả nước. Hầu hết các xã trên địa bàn đều tập trung trồng kiệu, đây được coi là cây trồng chủ lực tạo thu nhập cao cho người nông dân. Song việc sản xuất và kinh doanh chưa diễn ra một cách bài bản. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm từ kiệu của các địa phương khác lại mượn danh kiệu Phù Mỹ ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của người nông dân.

Việc hoàn thành dự án  Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ sẽ giúp giải quyết cùng lúc hai bài toán khẳng định thương hiệu kiệu Phù Mỹ và xây dựng các văn bản về quy chế quản lý và sử dụng cho người trồng và kinh doanh kiệu, phát huy hiệu quả kinh tế.

Hiệu bắt đầu rong ruổi suốt cả năm trời trên các cánh đồng kiệu huyện Phù Mỹ. Ban đầu, nhiều người thấy lạ khi chứng kiến một anh chàng dáng thư sinh suốt ngày xắn quần lội đồng, cặm cụi ghi ghi chép chép, nhưng sau nghe anh nói về việc thực hiện dự án thì hỗ trợ nhiệt tình. Còn anh thì không thôi ám ảnh hình ảnh những giọt mồ hôi thấm đẫm trên lưng, lam lũ với từng khóm ruộng nên càng hối thúc mình phải sớm hoàn thành.

Nhãn hiệu Kiệu Phù Mỹ đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Hoài Văn.

Đổi thay nhờ củ kiệu

Tháng 11/2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trao Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ. Trong năm đó diện tích trồng kiệu toàn huyện tăng vọt lên 700ha, sản lượng đạt 15.000 tấn kiệu lá. Nhiều xã như Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Quang… người dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng kiệu cho năng suất cao.

Giá kiệu các năm sau đó cũng tăng lên, từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg kiệu củ, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, từ sau khi có nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ góp phần khẳng định thương hiệu, quảng bá một nông sản làm nền tảng cho phát triển quy mô bền vững. “Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp hết sức quan trọng giúp nâng cao năng suất, giảm sức lao động và phát triển nông nghiệp bền vững. Nếu có nhiều hơn nữa những nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn liền với thực tiễn sẽ nhẹ gánh cho người nông dân rất nhiều” – Hiệu chia sẻ.