Hé lộ đời sống tổ tiên
Giữa cái nắng bỏng rát của “tháng Ba Tây Nguyên”, chúng tôi vượt hàng trăm cây số từ Kon Tum lên Đắk Nông để gặp đoàn khảo cổ khi hay tin họ vừa khai quật được các hiện vật mới có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất nơi đây.
Tại một rẫy cà phê người dân ở xã Đăk Drô, huyện Krông Nô, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia “lừng danh” trong lĩnh vực khảo cổ của Việt Nam đang làm việc.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - chuyên gia khảo cổ học đang cặm cụi phân loại, đo vẽ từng hiện vật đá. TS La Thế Phúc - Viện nghiên cứu Địa chất và khoáng sản ứng dụng (thành viên Hội Khảo cổ học Việt Nam) cùng chuyên gia di sản địa văn hoá Lương Thị Tuất đang say sưa đội nắng, tỉ mỉ đào và phủi những lớp đất trên hiện vật.
TS La Thế Phúc chia sẻ, vào tháng 5/2022, ông cùng cộng sự đã phát hiện trên bề mặt sườn đồi thuộc hệ thống thung lũng cổ ở khu vực huyện Krông Nô một số mẫu đá thạch anh có dấu tích thời tiền sử Đá cũ. Các hiện vật này được phân bố trên diện tích khá rộng.
Thời điểm đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đã trực tiếp thẩm định các mẫu vật đó. Trên cơ sở đó, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất những biện pháp nghiên cứu địa điểm này.
Năm 2023, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đã đến khảo sát, thẩm định thực địa và kết luận khu vực này rất có thể là một di tích khảo cổ của cư dân tiền sử, cần được khai quật để nghiên cứu.
Ngày 26/2/2024, Bộ VH-TT&DL có quyết định cấp phép cho Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Nông khai quật tại điểm phát hiện khảo cổ này. Tại đây, đoàn đã chọn khai quật 2 hố là trung tâm và nơi cao nhất của di tích với tổng diện tích 26m2, cách nhau 33m.
“Đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật có dấu tích của người tiền sử, có niên đại được dự đoán khoảng trên dưới một vạn năm cách ngày nay”, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết trong khi vẫn cắm cúi nghiên cứu, đo vẽ, mô tả các hiện vật.
Ngày 19/3, tại UBND huyện Krông Nô, đoàn khai quật đã báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thôn 7, xã Đắk Drô trước đại diện lãnh đạo địa phương và các cơ quan phối hợp có liên quan. Bước đầu, đoàn đã thu thập được khoảng 100 hiện vật.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các hiện vật đã được xác định có 17 hạch đá, 28 công cụ nạo cắt, 14 công cụ mũi nhọn, 8 công cụ chặt, 24 mảnh tước, 1 phiến tước, số còn lại là chày, phác vật rìu, bàn mài,…
ThS Vũ Tiến Đức - Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên (chủ trì khai quật) cho hay, thôn 7 có thể là nơi cư trú và là nơi chế tác công cụ đá của cư dân thời tiền sử cách ngày nay khoảng một vạn năm, thuộc khung thời gian chuyển tiếp từ cuối Đá cũ sang đầu Đá mới. Thời đó, cư dân tiền sử đã biết chuyển từ hoạt động kinh tế săn bắt hái lượm độc tôn sang kinh tế trồng trọt sơ khai.
“Tuy nhiên, trong hố khai quật tại thôn 7 không tìm thấy than tro, bếp, mộ táng như trong các di tích hang động núi lửa ở Krông Nô. Hiện tượng vắng mặt dấu tích bếp, mộ và các tàn tích xương răng động vật là rất phổ biến trong các di tích khảo cổ thời tiền sử ngoài trời ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Lương Thị Tuất, các hiện vật vừa mới phát hiện tại thôn 7, xã Đăk Drô là một loại hình văn hóa khảo cổ ngoài trời có tuổi cổ xưa nhất hiện biết ở Đắk Nông. Trong đó, cư dân tiền sử đã biết chọn các thềm sông cổ, nơi rất gần nguồn thức ăn và phong phú nguồn nguyên liệu sản xuất công cụ đá (cuội thạch anh) làm nơi cư trú.
Bảo tồn tại chỗ - phục vụ đa mục tiêu
Từ những phát hiện của TS La Thế Phúc và mục tiêu của nhiệm vụ khoa học phối hợp, để trả lời cho những câu hỏi giá trị di sản di tích khảo cổ là giá trị nào? Khai thác, bảo tồn những giá trị đó ra sao?
Ông Vũ Tiến Đức - Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên cho hay, đoàn sẽ khai quật theo hướng bảo tồn tại chỗ, tức vừa nghiên cứu, thu thập tư liệu phục vụ các hoạt động chuyên môn, vừa bảo tồn tối đa di tích. Từ đó tạo sản phẩm di sản chuyển giao UBND tỉnh Đắk Nông để xây dựng, phát huy tối đa giá trị di sản, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ông Đức cho hay, theo xu hướng phát triển chung của thế giới, cũng như xu hướng phát triển của ngành du lịch, di sản lịch sử - văn hóa, trong đó có di sản khảo cổ đang trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách. Nếu chúng ta đưa được những giá trị di sản không chỉ của di tích này mà còn của cả hệ thống các di tích khảo cổ tại khu vực Công viên địa chất vào khai thác du lịch, từ đó sẽ tạo ra được một lĩnh vực hoạt động kinh tế mới thu lợi nhuận bền vững cho tỉnh Đắk Nông.
Ngoài ý nghĩa sản phẩm lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020 - 2025, các di tích khảo cổ, trong đó có di tích thôn 7 không chỉ có giá trị nhận thức lịch sử, khoa học về sự phát triển của vùng đất con người Tây Nguyên, mà còn củng cố tư liệu, khẳng định chủ quyền dân tộc tại một tỉnh biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia.
“Đây là ba giá trị không chỉ của di tích thôn 7 mà còn của cả hơn 70 di tích khảo cổ học ngoài trời trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà chúng tôi phát hiện”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các hiện vật tại thôn 7, xã Đăk Drô (huyện Krông Nô) sẽ xác lập và bổ sung thêm một giá trị di sản văn hóa khảo cổ mới tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Khảo cổ tiền sử Đá cũ). Đó còn là một minh chứng cho quá trình nâng kiến tạo trong lịch sử phát triển địa chất của công viên địa chất Đắk Nông. Đồng thời xác lập được một nguồn tài nguyên di sản mới và là một sản phẩm du lịch tiềm năng phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh này.