Hiện thực hóa chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với hàng loạt chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với thay đổi nhiều cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hỗ trợ về cơ chế… 
Nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam

Để đưa Nghị định này thực sự đi vào cuộc sống đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, cũng như sự đầu tư đồng bộ về nguồn lực. Agribank với bề dày kinh nghiệm 30 năm gắn bó đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang tích cực hiện thực hóa chính sách mới, góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp có động lực hơn trong bỏ vốn đầu tư vào “Tam nông”.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới

Ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Theo đó, hàng loạt bất cập trong chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được thay đổi. Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điển hình, các quy định khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ mới như: DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Đối với những dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu. DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án; thời gian hỗ trợ tối đa 08 năm.

Bên cạnh đó, DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư trực tiếp đào tạo nghề cho lao động được ngân sách nhà nước hỗ trợ với mức 02 triệu đồng/tháng/lao động, thời gian hỗ trợ 03 tháng. Đồng thời, DN này được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển khai hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Có thể thấy, so với Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với DN nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, chỉ hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư nhằm tạo trách nhiệm đầu tư hiệu quả của đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển. Nghị định 57 đã bổ sung các hỗ trợ theo thẩm quyền của Chính phủ được giao tại các luật chuyên ngành: mức miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng; cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ... Có thể nói, những cơ chế ưu đãi mới đã mở rộng đối tượng hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ thấp hơn rất nhiều so với Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Đây là tin vui đối với các DN hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệptheo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người dân đang được thực hiện mạnh mẽ.

Những con số biết nói

Nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, đây là ngành duy nhất xuất siêu và có ưu thế trong cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. Với sứ mệnh “Tam nông”, có mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, huyện đảo, Agribank luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến thời điểm thời điểm 30/04/2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với 31/12/2017, chiếm 73,8%/tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là 140.087 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 23.343 doanh nghiệp; tăng so với đầu năm 2.065 tỷ đồng với 9.792 khách hàng doanh nghiệp; chiếm tỷ trọng 21,05%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn và chiếm 51%/tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn thuộc các lĩnh vực khác.

Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực đối với sự nghiệp phát triển "Tam nông"
Agribank đã có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank. Đồng thời cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Agribank cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, triển khai mô hình Ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.

Là ngân hàng dẫn đầu cho vay nông nghiệp - nông thôn, nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm...  Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Đồng hành  với Chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, phát sóng trên kênh VTV1 bắt đầu từ tháng 11/2016, Agribank mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.

Một trong những hành động cụ thể, thiết thực của Agribank để thực hiện mục tiêu đó là Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 1/11/2016.  Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình này là doanh nghiệp , hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank. Không chỉ có vậy, Agribank còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.

“Hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên thực tế gặp phải những khó khăn, “rào cản”. Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc phải đối mặt với các rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định… trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa khâu cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các nhà khoa học và các đơn vị sản xuất kinh doanh, nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, đất đai phục vụ sản xuất trên diện rộng không nhiều, gây trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi,...) có giá trị đầu tư lớn nhưng việc được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay…

Tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp thấp, trong khi đó thời gian thực hiện đầu tư cho các dự án phát triển nông nghiệp lâu dài, vốn đầu tư lớn (thường từ trên 10 năm) mới có thể thu hồi được vốn nên các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi đầu tư…

Agribank khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư vào nông nghiệp
Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách tín dụng của Agribank. Agribank tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đáp ứng đủ nguồn vốn, cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể; Thực hiện các chương trình lãi suất ưu đãi cho vay đối với các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn; đáp ứng đủ nguồn vốn cho các nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan tuyên truyền quảng bá để mọi người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn biết và hưởng ứng các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và Agribank.

Agribank mong muốn quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn được chú trọng; Sớm xây dựng chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất, thuế cho từng chương trình dự án cụ thể, nhất là đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc chuyển đổi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; Tăng cường xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa, quản lý thị trường, chú trọng chính sách hỗ trợ cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp từ cung cấp cây, con giống đến khâu chăm sóc, khâu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, nhất là nông sản tiêu thụ theo mùa vụ, vùng miền; Thúc đẩy sự hình thành thị trường trao đổi, thuê mướn đất canh tác, đất nông nghiệp; Xây dựng cơ chế thúc đẩy người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê đất trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thành công trong việc gỡ hạn điền và xây dựng chuỗi giá trị.