Hết điệp khúc được mùa rớt giá?

TP - Hôm nay, Festival lúa gạo tầm vóc quốc tế lần đầu Việt Nam tổ chức, diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - người phát kiến ý tưởng Festival lúa gạo và biến nó thành hiện thực.
Ảnh: Hồ Anh Tiến

Ông Nguyễn Phong Quang cho biết:  Những năm gần đây, nước ta đã tổ chức nhiều Festival như: Fetival Cà phê, Festival Trà, Festival Hoa... nhằm tôn vinh thương hiệu đặc sản của từng vùng, miền. Từ đó, tôi đã liên tưởng đến lúa gạo là mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL, sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của người Việt.

Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Nhưng điệp khúc được mùa, mất giá vẫn tiếp diễn, gạo xuất khẩu giá thấp, thị trường không ổn định làm cho đời sống nông dân còn lắm khó khăn.

Ngoài ra, việc giới thiệu tiềm năng thế mạnh về sản xuất lúa gạo cũng như xây dựng và quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt Nam ở thị trường thế giới chưa tương xứng với thực tế.

Ông Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Festival lúa gạo lần này sẽ tôn vinh nền văn minh lúa nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp VN; đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao thương buôn bán lúa gạo. 

Đặc biệt, chúng tôi muốn thông qua Festival này xây thương hiệu cho  lúa gạo VN, đưa hạt gạo VN vươn xa hơn ra thế giới.

Chúng tôi đề xuất với Thủ tướng cho tổ chức Festival lần này xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ thực tế bức xúc lâu nay của hàng triệu nông dân VN làm ra lúa gạo nhưng luôn thua thiệt. 

Thưa ông, cụ thể qua Festival này cây lúa, hạt gạo sẽ được nâng cao hơn về thương hiệu và chất lượng như thế nào?

Festival còn có sự tham gia của các chuyên gia nông lương hàng đầu thế giới. Sự góp mặt của họ với nhiều kinh nghiệm quý báu sẽ giúp giải quyết vấn đề xây dựng thương hiệu  cho  hạt gạo Việt Nam.

Poster của Festival lúa gạo VN lần thứ nhất - Ảnh: P.N

Tại Festival không chỉ đặt vấn đề nâng cao chất lượng năng suất lúa gạo, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trên cánh đồng mà còn chú trọng vào khâu bảo quản, chế biến lúa sau thu hoạch. Chúng tôi muốn các bộ ngành quan tâm xây dựng hệ thống kho chứa lúa để đảm bảo chất lượng lúa cho nông dân.

Riêng tại Hậu Giang, chúng tôi nhận rõ điểm yếu này  nên đã và đang  xúc tiến cùng với Tổng Cty Lương thực Miền Nam xây dựng ba kho sức chứa khoảng 200.000 tấn. Hệ thống kho chứa này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010, giải quyết được 30 - 40 phần trăm lượng lúa hàng hóa của tỉnh.

Giải quyết được vấn đề kho chứa lúa gạo, tôi tin rồi đây nông dân sẽ hết cảnh bị thương lái ép giá, điệp khúc mất mùa rớt giá sẽ sớm chấm dứt.

Trao giải cuộc thi ảnh và viết trong Festival lúa gạo VN

Ngày 27/11, Ban tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất tại Hậu Giang  đã  trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật về lúa gạo và cuộc thi viết về kinh xáng Xà No.

Cuộc thi ảnh nhận được 866 tác phẩm của 172 tác giả, giải nhất trao cho tác phẩm Hạt ngọc của Duy Bằng (Long An).

Cuộc thi viết về kinh xáng Xà No nhận được 19 tác phẩm, giải nhất trao cho tác phẩm biên khảo Văn minh kênh xáng của Nhâm Hùng (Cần Thơ).  

Thưa ông, Hậu Giang sẽ có những cách tiếp cận mới gì  về vấn đề Tam nông qua Festival này ?

Những kinh nghiệm, thành tựu khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế được đúc kết từ những cuộc hội thảo, hội thi tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất là những sản phẩm vô giá mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp nói chung và nghề trồng lúa nước nói riêng.

Trên cơ sở đó, Hậu Giang quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác theo hướng toàn diện hơn. Trước mắt, tập trung cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn chuyên sâu như: cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật...

Không chỉ tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong ngành nông nghiệp, mà phải tăng cường đào tạo và có chính sách thu hút nhân tài đối với ngành công nghệ cao phục vụ sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Có như thế, Hậu Giang mới phát huy được thế mạnh nông nghiệp của tiểu vùng Tây Sông Hậu.

Có ý kiến cho rằng, Hậu Giang không phải là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo của Đồng bằng Nam Bộ, lại vừa mới chia tách ra từ thành phố Cần Thơ, cơ sở hạ tầng còn kém, chưa hội đủ điều kiện để tổ chức một Festival tầm cỡ quốc tế?

Hậu Giang đang là tỉnh nghèo  nhưng nằm ở trung tâm của vựa lúa Đồng bằng Nam Bộ, lại có kênh Xà No, con đường lúa gạo, nơi vận chuyển gạo xuất khẩu đầu tiên của Nam Bộ.  Chúng tôi tự tin và đã sẵn sàng cho một Festival lúa gạo đầu tiên  của Việt Nam  thành công.

Cảm ơn ông!

Festival có gần 20 hoạt động, trong đó các hoạt động chính gồm: lễ hội khai mạc, bế mạc, giới thiệu giá trị nghệ thuật đặc trưng của sông nước Cửu Long gắn với văn minh lúa nước và bản sắc văn hóa của mỗi vùng, miền đất nước.

Bốn cuộc hội thảo gồm: Hội thảo quốc tế về xuất khẩu gạo, Hội thảo xúc tiến đầu tư, Hội thảo “kênh xáng Xà No - Con đường lúa gạo miền Hậu Giang”, Hội thảo về cây lúa nước Việt Nam.

Về triển lãm có tất cả 500 gian hàng. Ngoài 300 gian triển lãm của các doanh nghiệp ngành kinh doanh lương thực và doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ sản xuất lúa gạo, còn có hơn 100 gian triển lãm của các tỉnh, thành phố, khu triển lãm trong nhà và ngoài trời, khu triển lãm của ngành lương thực Việt Nam, khu chợ lúa gạo Việt Nam...

Lần đầu tiên, cây lúa  và nông cụ  các vùng miền sẽ được trưng bày tại Festival.

Phùng Nguyên - Kim Loan
Thực hiện