Hé lộ lý do CIA tuyển mộ người tàn tật

TPO - Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lần đầu tiên phá vỡ “luật im lặng”, thông báo rằng, họ đang tích cực tuyển mộ những người khuyết tật.

Cham bắt đầu làm việc tại CIA gần thập kỷ trước và trở thành “người hiếm” của cơ quan vì anh là người điếc. Giờ đây, anh trở thành đối tượng nghiên cứu về nỗ lực đa dạng hóa lực lượng lao động của CIA.

“Đơn giản là CIA phải làm nhiều hơn nữa”, Giám đốc CIA John Brennan nói hồi tháng 6. Giám đốc Brennan liên lạc với Cham và nhiều nhân viên khác để tìm hiểu những phương cách CIA có thể làm tốt hơn. 

Đa dạng kỹ năng, năng lực

Hiện nay, CIA nói chuyện rất cởi mở về những nỗ lực kể trên. Đây là sự chuyển hướng đáng kinh ngạc vì CIA nổi tiếng kín miệng về hoạt động của mình.

Ngồi cạnh Jeff, người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, Cham kể về thời học sinh và công việc sau này tại CIA. Khi còn bé, Cham đi học ở trường dành cho học sinh khiếm thính.

Cham học chữ, chơi môn bóng nước… trong một thế giới riêng biệt, nơi mọi người đều dùng ngôn ngữ ký hiệu. Hiện giờ anh là thành viên của một thế giới riêng biệt khác - cộng đồng tình báo Mỹ. 

Cham tự hào mình có cách suy nghĩ khác người, tư duy sáng tạo. Cham nói sự tinh thông của anh về hệ thống và các vấn đề công nghệ thông tin khác được đánh giá cao tại CIA. Công việc chính của anh là thực hiện các phân tích nguyên gốc. 

Giám đốc CIA John Brennan thúc đẩy công nghệ mới cho nhân viên khuyết tật. Ảnh: Getty Images

Giám đốc CIA John Brennan đã yêu cầu cơ quan phát triển, áp dụng công nghệ mới để hỗ trợ các nhân viên khuyết tật, như khiếm thị, khiếm thính, cụt chân…

Tuy nhiên, để được CIA nhận vào làm là cả một vấn đề. Các ứng viên phải trải qua quá trình sàng lọc, xét tuyển rất khắc nghiệt.

Ứng viên phải trải qua điều tra an ninh, khám sức khỏe, kiểm tra tim mạch, đánh giá về tâm thần… Các nhân viên CIA cho biết, quá trình này kéo dài 1-2 năm.

Một khi được tuyển dụng, ứng viên phải ký tuyên bố thề sẽ không bao giờ tiết lộ thông tin mật hoặc bất kỳ điều gì tương tự mà họ học được trong khi làm việc tại CIA.

Phóng viên thỉnh thoảng được mời tới trụ sở CIA để phỏng vấn. Các câu trích dẫn phải được phê duyệt trước khi đăng tải. Buổi phỏng vấn thường diễn ra trong căn phòng bảo mật, không có cửa sổ.

Thông qua phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, Cham hiểu câu hỏi của phóng viên và trả lời. Theo đó, Cham làm việc tại CIA với tư cách kỹ sư công nghệ thông tin, học được nhiều kỹ năng mới. Hiện giờ anh làm việc với các hệ thống máy tính. Và nhờ sự giúp đỡ của CIA, anh sắp hoàn tất chương trình học lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Cham dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc với máy tính và trò chuyện với người khác, đôi lúc với sự trợ giúp của phiên dịch viên. Những lúc khác, Cham viết suy nghĩ của mình lên bảng trắng hoặc sử dụng thiết bị điện tử để giao tiếp.

“Tôi cảm thấy sự khuyết tật của tôi không tạo ra rào cản gì cả. Điều duy nhất tôi không thể làm là nghe thôi”, Cham nói.

Cham và cô Tara, người quản lý chương trình liên quan người khuyết tật của CIA, từng đến ngày hội tuyển dụng - nơi họ nói cho các ứng viên về bản chất công việc tại CIA.

“Họ hiểu nhầm rất nhiều. Họ hiểu như phim ảnh mô tả, như là nhân viên CIA phải nhảy khỏi xe hơi…”, Tara nói. Trong đời thực, nhân viên CIA có nhiều kỹ năng, năng lực khác nhau. Tại CIA, có nhà phân tích là người khiếm thị, thậm chí có nhân viên mắc chứng bại não, Tara kể.

Mới đây, Cham và Tara tới bang California để dự một hội nghị công nghệ dành cho người khuyết tật. Ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ Stevie Wonder biểu diễn tại hội nghị này. Cham và Tara đến gặp Stevie Wonder.

Sau này, khi phóng viên hỏi: “Stevie Wonder có muốn làm việc cho CIA?”. Tara đáp: “Đó là thông tin mật”. Tara nói đùa, nhưng Cham bảo phóng viên viết rằng CIA hoan nghênh Stevie Wonder nộp đơn xin gia nhập.

CIA đang tăng cường tuyển dụng người khuyết tật. Ảnh: New York Post

Tranh vẽ bà Virginia Hall được treo tại góc tòa nhà CIA. Ảnh: CIA

Đạo luật người Mỹ khuyết tật

Đạo luật người Mỹ khuyết tật (Tổng thống Mỹ George H.W. Bush ký năm 1990) đã giúp thay đổi đời sống công cộng ở Mỹ. Ngày càng nhiều tòa nhà xây đoạn đường dốc dành cho xe lăn, các máy rút tiền có hệ thống chữ nổi Braille…

Tuy nhiên, Cham và những người khuyết tật khác vẫn phải nỗ lực để vượt qua thành kiến và những rào cản thể chất tại nơi làm việc. Trước đây, nhiều loại thiết bị như videophone bị cấm sử dụng tại trụ sở CIA vì lý do an ninh. Dưới thời Giám đốc Brennan, nhân viên CIA được phép sử dụng.

Cham nhớ lại khoảng khắc Giám đốc Brennan gặp mặt anh và một đồng nghiệp cũng bị điếc trong một căn phòng có videophone mới. Ở đầu dây bên kia là bà mẹ già 93 tuổi của đồng nghiệp. Đó là lần đầu tiên anh ấy gọi cho mẹ từ văn phòng CIA. Anh ấy đấm ngực mình để diễn tả cảm xúc, Cham kể.

Cham nói anh quyết định ở lại CIA vì Giám đốc Brennan nỗ lực cải thiện môi trường làm việc và vì những lợi ích mà anh nhận được. “Khoản tốt nhất là bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Nó đáng giá 50.000 USD”, Cham nói.

Vinh danh người phụ nữ cụt chân

Ở góc tòa nhà CIA có một bảo tàng tư nhân lưu giữ hiện vật, tư liệu về tiền thân của CIA - Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS). Bảo tàng có phần đề cập bà Virginia Hall - người ban đầu bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối nhận vào làm việc. Chân của bà bị cắt bỏ sau một tai nạn săn bắn. Bà Hall sau đó được Cục Hành động Đặc biệt của Anh (SOE) tuyển mộ thời Thế chiến 2. Bà làm việc cùng với phe kháng chiến của Pháp, giúp phá hủy cầu và tiêu diệt quân thù. Cả Anh và Mỹ đều ghi nhận công lao của bà. Một bức tranh treo ở hành lang vẽ bà Hall đang tập trung tinh thần cao độ trong khi gửi đi các bức điện được mã hóa.