Hãy nói thần tượng của bạn, tôi sẽ nói bạn là ai

TP - Tác giả Nguyễn Thanh Bình đã bày tỏ ngưỡng mộ người “dưới mức bình thường” một cách sâu sắc và day dứt. Tạm lánh những ồn ào, cách mà một bộ phận dưới trẻ đang thể hiện, chúng ta cùng suy ngẫm với những vẻ đẹp đời thường.

> Á hậu, ca sỹ hội tụ tại Chủ nhật Đỏ
> Tuổi trẻ Thái Nguyên hưởng ứng Chủ nhật đỏ

Tôi không phải tuổi teen, nhưng là người trẻ. Tuy qua cái tuổi ồn ào nhưng vẫn rất gần với những gì bạn trẻ đang nghĩ và làm. Tôi đồng tình với Tiền Phong, tờ báo duy nhất mở diễn đàn bày tỏ quan điểm trước vấn đề lệch lạc thần tượng, vấn đề mà chúng tôi vẫn thường bàn, thường bức xúc thời gian gần đây.

Tôi xin kể câu chuyện về một người mà tôi yêu mến và ngưỡng mộ.

 Tôi nghĩ, thần tượng ai đó, cấp độ thấp nhất là bày tỏ một sở thích, cao nữa là ngưỡng mộ, sùng bái... Thích, ngưỡng mộ, sùng bái… phần nào phản ánh một quan điểm, cao nữa phản ánh một tính cách, lối sống và thậm chí phản ánh nhân cách. Tôi rất thích câu nói đại ý rằng, hãy nói bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Câu này cũng đúng với trường hợp chúng ta thần tượng ai”.  

Ngày tôi còn học đại học, cha tôi đã làm một việc tốt. Một lần cha tôi thăm người bạn cùng chiến đấu tình cờ gặp một trường hợp đặc biệt. Đó là một thanh niên khuyết tật ở tay. Anh ấy làm tất cả mọi thứ bằng đôi chân. Đi lại, tắm giặt, đánh răng, chặt củi, đan lát, chăn trâu… tất cả đều bằng chân.

Nghe kể, anh rất nghị lực, ít khi nhờ ai. Đi chăn trâu buộc dây thừng vào chân, trâu đuổi nhau, kéo anh từ cánh đồng này, sang cánh đồng khác, không chết. Chặt cây tre gai bằng chân, bị gai cào máu chảy ròng ròng, nằm xanh lét ra đấy, may có người phát hiện băng bó, cầm máu. Chân anh cũng không khỏe, chỉ đủ để đi lại đoạn đường ngắn thôi. Anh sống với cha già trong căn nhà tranh nghèo ở ven biển.

Kể lại chuyện này, cha nói với tôi: “Con có cách nào giúp bạn thanh niên ấy không?”. Tôi liên hệ một số tờ báo và nhà hảo tâm ở Hà Nội nhờ giúp đỡ. Sau đó chuyện của anh lên báo. Nhiều nhà hảo tâm quan tâm, ủng hộ tiền. Truyền hình Việt Nam cũng làm phóng sự về gia đình anh. Từ đó cuộc sống của bố con anh ấy thay đổi, nhà khang trang hơn, có chút tiền để tích lũy.

Thế rồi, cha tôi đột ngột qua đời. Vào một ngày mưa gió, đường quê lầy lội trơn trượt, hàng xóm đến đầy đủ tiễn đưa cha tôi. Tôi đứng bên bàn thờ cha, bỗng đám đông cứ tách ra hai bên như nhường đường cho ai đó rất quan trọng bước vào.

Đúng thế, có người đang tiến gần. Người ấy đang lết từng bước mệt mỏi, người ướt sũng, bùn lầy dính toàn thân. Anh ngước lên, miệng mếu máo, cổ ngoáy ngoáy, đưa tay xin một thẻ hương. Tôi nhận ra anh mà lòng như thắt lại. Tôi đỡ anh dậy. Anh thắp cho cha tôi một nén hương, rồi quỳ xuống lạy và khóc to.

Khi tôi đưa anh ấy ra ngoài thì thấy một ông cụ cũng ướt sũng, đứng rúm ró trông rất tội nghiệp. “Cháu ạ, xin lỗi cháu, nó cứ đòi đi cho bằng được khi nghe tin cha cháu mất. Người nó ướt hết, bẩn quá, cháu đừng giận nhé. Nó bảo không đi thắp hương cho ân nhân, nó ân hận suốt đời. Nó được như bây giờ là nhờ cha của cháu…”.

Nói xong, ông dắt anh ấy ra về như sợ mọi người chê trách vì “làm bẩn nhà”. Tôi chạy theo giữ ông cụ và anh ở lại nhưng không được. Anh nhìn tôi, mắt đỏ hoe, không nói gì. Tôi đứng ngẩn ra đó vì xúc động và thương hai bố con họ vì phía trước là đoạn đường gần chục cây số đường trơn trượt trở về nhà.

Tôi rất xúc động, cảm phục trước tấm lòng của người thanh niên tàn tật này. Cha tôi và tôi âm thầm giúp đỡ và chỉ là người nhờ người ta giúp, vậy mà anh ấy ơn nặng như thế.

Câu chuyện này theo tôi từ ngày đó như nhắc nhở về sự biết ơn trong cuộc đời.

Nguyễn Thanh Bình
25 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội

Theo Báo giấy