Quyết định của ông Trump được đánh giá là sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đồng thời mở cánh cửa để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Được thành lập từ năm 1948, WHO nhận được tiền từ nhiều nguồn: các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ tư nhân, các quốc gia thành viên và tổ chức mẹ Liên Hợp Quốc (LHQ).
Mỗi quốc gia thành viên của LHQ đều có nghĩa vụ đóng góp kinh phí, với mức độ phụ thuộc vào tài sản và dân số của từng nước. Nhưng đóng góp từ các thành viên chỉ chiếm 1/4 tổng số tiền rót cho WHO. 3/4 còn lại chủ yếu đến từ các khoản đóng góp tự nguyện từ quốc gia thành viên hoặc đối tác.
Trong các nước, Mỹ vẫn là quốc gia đóng nhiều nhất, góp tổng số 893 triệu USD cho WHO trong 2 năm 2018-2019. Đóng góp của Mỹ chiếm 14,67% tổng số tiền tự nguyện mà WHO nhận được trên toàn cầu.
Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates là bên đóng góp nhiều thứ hai. Tiếp sau Mỹ là Anh, Đức và Nhật Bản. Trung Quốc góp gần 86 triệu USD trong khoảng thời gian này, gồm cả phần bắt buộc và tự nguyện. WHO nhận được khoảng 4,8 tỷ USD mỗi năm.
Những người chỉ trích từ lâu đã cho rằng các quốc gia thành viên có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với WHO, phụ thuộc vào năng lực tài chính và chính trị. Những quốc gia đóng góp lớn như Mỹ thường được nhiều người cho là có ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác.
Gần đây, chỉ trích tương tự nhằm vào quan hệ của WHO với Trung Quốc. Những người chỉ trích nghi ngờ liệu WHO có đủ độc lập khi tài sản và sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Họ cho rằng điều đó thể hiện trong ca ngợi của WHO dành cho Trung Quốc trong nỗ lực xử lý dịch COVID-19 và việc Trung Quốc chặn thành công việc Đài Loan cố gắng trở thành thành viên tổ chức này.
Ông Trump và nhiều quan chức Mỹ ám chỉ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong tình hình đại dịch này. “Nếu WHO đã làm việc của mình là đưa chuyên gia y tế đến Trung Quốc để đánh giá khách quan về tình hình thực tế và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch thì dịch bệnh đã được kiểm soát ngay tại nguồn và rất ít người phải chết”, ông Trump nói hôm 14/4. Ngoại trưởng Mike Pompeo thẳng thừng hơn, nói rằng WHO “từ chối cuộc gọi của đại dịch này trong một thời gian dài vì nói thẳng là Trung Quốc không muốn nó xảy ra”.
WHO đáp lại rằng các quốc gia thành viên không nên chính trị hoá đại dịch. Năm 2017, Bắc Kinh ủng hộ thành công việc bầu ông Tedros Adhanom Ghebreyesus làm Tổng Gám đốc WHO, đánh bại đối thủ được Mỹ hậu thuẫn.
Đe dọa nỗ lực chung
Động thái của Mỹ nhanh chóng vấp phải chỉ trích của cộng đồng y khoa. Họ cho rằng điều này sẽ làm xói mòn nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch, trong khi chưa có phương thuốc hay loại vắc-xin nào được hoàn tất.
“Cuộc chiến toàn cầu đòi hỏi hợp tác quốc tế, dựa vào khoa học và dữ liệu”, ông Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội y khoa Mỹ, nói và kêu gọi chính quyền Mỹ cân nhắc lại.
Tổng thư ký LHQ António Guterres đêm 14/4 nói rằng, WHO đang “đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực của thế giới” để chống virus corona và tổ chức này “cần được ủng hộ”.
“Một khi chúng ta đã bước sang trang mới của đại dịch này, đó mới là lúc nhìn lại để hiểu dịch bệnh đã trỗi dậy và phát tán quá nhanh trên toàn thế giới như thế nào, cũng như cách những bên liên quan phản ứng với khủng hoảng. Giờ chưa phải lúc đó”, ông Guterres nói.
Trung Quốc hôm qua thúc giục Mỹ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, đại dịch đang ở giai đoạn cực kỳ quan trọng và quyết định của Washington sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.
Gần 2 triệu người trên giới đã mắc COVID-19 và hơn 124.000 người tử vong từ khi căn bệnh này bùng lên ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái. Riêng Mỹ đã có hơn 2.200 người thiệt mạng.