Tiếng thơm ngàn đời vùng đất cố đô
Vùng đất Ninh Bình vẫn thường được biết đến là cố đô của nước ta. Cái hồn cốt của mảnh đất kinh thành xưa hòa cùng với nét đẹp của thiên nhiên đất trời đã mang đến cho Ninh Bình một vẻ đẹp vừa nên thơ, hữu tình, lại vừa đậm chất cổ kính, trang nghiêm mà không nơi nào có được.
Nhắc đến Ninh Bình, người ta vẫn thường hay nhắc đến những Tràng An mộng mơ, những Hoa Lư cổ kính,… bên cạnh đó, ở Ninh Bình còn có những làng nghề mang hồn cốt của mảnh đất nơi đây. Đó là gốm Bồ Bát nổi danh cách đây hàng trăm năm, được tạo nên bởi nguồn đất sét trắng quý của vùng. Qua thời gian, gốm Bồ Bát đã mai một và dần biến mất trên bản đồ những thương hiệu gốm của Việt Nam.
Là một người con sinh ra trên mảnh đất cố đô hàng ngàn năm lịch sử, chứng kiến bao đổi thay, bao thăng trầm, chứng kiến nghề gốm cổ của quê hương bị “thất truyền”, chàng thanh niên 8X tên Phạm Văn Vang đã bắt tay vào công cuộc khôi phục nghề gốm cổ. Giờ đây, khi đến làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình, người ta vẫn thường nghe nhắc đến chàng thanh niên trẻ Phạm Văn Vang với hành trình khôi phục Gốm Bồ Bát đầy vất vả.
Bằng tình yêu và sự đam mê, người nghệ nhân tài hoa đã phục dựng làng nghề gia truyền của quê hương sau hàng trăm năm chìm vào quên lãng. Hình ảnh của anh Vang và gốm Bồ Bát của mảnh đất Ninh Bình thật giống với những câu thơ trong bài thơ “Anh Thợ Gốm” (1962) của nhà thơ Cù Huy Cận:
“Nắng lên hồng ban mai
Anh thợ gốm ngồi xoay
Đất mịn nhào với nắng
Hình đẹo nở trong tay
Gió xuân man mác thổi
Cỏ non rờn ngoài đê
Mùa xuân đang tạo lại
Cây lá trên đồng quê”
Anh Phạm Văn Vang
Nhằm đưa đến cho độc giả những hiểu biết về gốm Bồ Bát và quảng bá, gìn giữ những giá trị về nghề truyền thống của đất nước. Đầu tháng 3/2019, nhóm phóng viên đã tìm về mảnh đất cố đô Ninh Bình để tìm hiểu về loại gốm lâu đời và cổ xưa bậc nhất cả nước.
Và câu chuyện bắt đầu mở ra từ thời Lý-Trần, thời gốm Bồ Bát manh nha ra đời.
“Vang bóng một thời”
Nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát – Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo nên.
Khác với sử dựng chất liệt đất sét vàng như gốm Gia Thủy, thuộc huyện Nho Quan của Ninh Bình. Gốm cổ Bồ Bát được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ ở vùng mới có. Điều này đã được xác định qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này.
Nhiều ghi chép để lại, cho thấy gốm Bồ Bát phát triển rực rỡ từ thế kỷ X. Theo tài liệu giới thiệu Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà của Ty Văn hóa Hà Bắc, và tài liệu Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng, tư liệu đánh máy của Viện Mỹ thuật, năm 1964, vào khoảng thời Lý - Trần có người đỗ Thái học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương).
Cả ba ông, khi đi sứ đã học được nghề sứ gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Công nghệ có được phân như sau: Ông Kiều về Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng, ông Tiến về Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ, ông Tú về Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
Qua thời gian nghiên cứu, chế tạo thành công, ba ông lấy các đồ gốm do tay mình chế được, dâng Vua xem. Nhà Vua thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái Quán Thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau dâng ba tuần rượu, dân chúng nhảy nhót hoan hô để biểu dương các ngài đem nghề về truyền cho dân. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.
Thời Lý – Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung“Đại Việt quốc quân thành chuyên” – loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng…
Phường gốm Bồ Bát sau có dời ra ngoài Bắc. Dọc theo con sông Hồng, tới một bãi sông có đất thó trắng, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, ta quen gọi là Bát Tràng.
Mai một giữa thăng trầm lịch sử
Vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Ở đình làng Bát Tràng ngày nay vẫn cò đôi câu đối ghi lại việc di cư này:
“Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”
(Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng miếu đình
Lòng dân thành kính tựa hương lan, dâng lên cúng thánh thần).
Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình khăn gói ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời.
Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã bị “thất truyền” từ đó.
Sự hồi sinh kỳ diệu của gốm cổ
Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi về với mảnh đất Bạch Liên vào buổi sáng. “Anh Vang ở kia kìa” - một anh công nhân đang bê đống đất sét để đi tạo hình vừa nói vừa hướng ánh mắt cho chúng tôi hướng theo. Chàng thanh niên dáng người thấp, đậm người đang ngồi vẽ họa tiết lên gốm ấy là Phạm Văn Vang.
Sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2005, anh không đi học Đại học như bao người khác. Vốn sinh ra ở nơi khai sinh ra gốm cổ Bồ Bát, được nghe kể về làng nghề quê hương từ ông bà, bố mẹ và những người nghệ nhân, nên anh Vang luôn ấp ủ một niềm đam mê với nghề gốm. “Trong những suy nghĩ non trẻ của chàng trai mười tám đôi mươi, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể phục dựng lại được nghề của quê hương, vừa có thể làm giàu trên chính quê hương mình” anh Phạm Văn Vang tâm sự.
Anh rời Bát Tràng đi lên Bắc Giang làm trong một xưởng gốm sứ xuất khẩu học hỏi những kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ các họa tiết hoa văn tranh cổ và những yêu cầu quy chuẩn của đồ gốm xuất khẩu. Vừa làm vừa học về các họa tiết tranh cổ và tích lũy kinh tế đợi ngày về quê lập nghiệp. Trời thương chàng trai có ý chí, nên đã se duyên cho anh gặp được người vợ hiền bây giờ ở chính xưởng gốm. An cư thì mới lâp nghiệp được, sau 6 năm vừa học vừa làm, từ một người ngoại đạo đã trở lành nghệ nhân gốm lành nghề, anh Phạm Văn Vang cùng vợ quay trở về quê Bạch Liên mở xưởng gốm và phục dựng lại nghề gốm cổ quê hương đã bị thất truyền.
Chính thức trở thành “ông chủ”, cũng chính là lúc anh Vang đối mặt với vô số những khó khăn. Đầu tiên chính là vốn sản xuất, gia đình không mấy khá giả, cùng số tiền tích lũy bao năm đi làm gốm thuê chỉ đủ để xây dựng xưởng, tiền thuê nhân công và chi phí vật liệu vẫn là quá nhiều với anh. Anh nghĩ đến việc xin vay vốn và hỗ trợ của địa phương, dẫu được ủng hộ, nhưng với vị trí là một xã nghèo, cùng sự kém phổ biến của nghề, số vốn được vay vẫn còn quá ít. Gom góp lại, anh có hơn 100 triệu để xây dựng cơ sở gốm của mình, đưa thợ nghề ra Bát Tràng học nghề,…
Điều thuận lợi duy nhất để xây dựng cơ sở làm gốm của anh Vang có lẽ chính là nguồn nguyên liệu. Trên địa bàn xã Yên Thành có loại đất sét Bồ Di, còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác. Đây là điều kiện thuận lợi cho dòng gốm cổ Bồ Bát hồi sinh, phát triển.
Trong làm gốm, kĩ thuật đóng vai trò năm mươi phần trăm, còn lại là nhiệt lò và thời gian canh lửa. Mà những thứ này thì mỗi kiểu lò và đất sét ở mỗi nơi đều cần thời gian và nhiệt khác nhau. Sau chục mẻ gốm thất bại và nhiều lần sửa đổi, rút kinh nghiệm từ sai lầm, cuối cùng anh cũng nhận được một mẻ gốm hoàn thiện. Cầm thành phẩm trên tay, anh Vang mừng khôn siết, cuối cùng gốm Bồ Bát cũng có cơ hội sống dậy.
Làm được thành phẩm gốm hoàn chỉnh mới chỉ đi được nửa đường, khó khăn với người đặt lại nền móng làng nghề vẫn còn “trùng trùng điệp điệp”. Đó chính là con đường đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Sự cạnh tranh thị phần giữa muôn vàn cơ sở gốm sứ đã có tên tuổi là rất khắc nghiệt. Trong giai đoạn đầu, anh Vang tự mình đi khắp các tỉnh thành để chào hàng, ký gửi sản phẩm. Từ Bắc vào Nam, các hội chợ, gian hàng gốm sứ, không có nơi nào anh không thử, tất cả là để có cơ hội giới thiệu gốm Bồ Bát đến với người tiêu dùng. Điều may mắn lớn nhất chính là sản phẩm gốm của anh có “câu chuyện” và nguồn gốc lâu đời, rất thu hút người sành đồ gốm. Ngoài ra, sản phẩm của anh có chất lượng cao, men gốm dày, trắng và có độ sâu, độ bền cơ học tốt, giá thành hợp lý nên đã được thị trường đón nhận. Sản phẩm tiêu thụ tốt, các mẻ gốm ra gối nhau, xưởng bận rộn, công nhân làm không xuể, anh Vang lại thuê thêm nhân công và mở rộng xưởng, Giờ đây, từ một xưởng vài trăm mét vuông quy mô của xưởng đã được mở rộng ra gần 2000m2.
Nỗ lực hết mình, nghệ nhân Phạm Văn Vang đã thu về những trái ngọt, sau bao ngày chăm bẵm. Bản thân anh được trao nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, cơ sở gốm của anh tạo được chỗ đứng trong làng gốm Việt. Ðộc đáo và ấn tượng nhất của doanh nghiệp gốm Bồ Bát vẫn là mảng tranh gốm ghép, dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng, như Ðông Hồ, với những nét văn hóa vùng, miền tiêu biểu trong cả nước. Trong đó, có khá nhiều hình ảnh các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Ðộng. Nhờ vậy, sau một thời gian, sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn ra thị trường một số nước, như Nga, Ðức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...
Những sản phẩm gốm sứ Bồ Bát hiện nay được thử thách qua thời gian, được chọn lọc, được thừa nhận để tồn tại và phát triển. Nghệ nhân Phạm Văn Vang quan niệm: “Thời xưa cha ông đã để lại cho hôm nay những tác phẩm gốm giá trị, con cháu ngày hôm nay phải phấn đấu, tạo dựng ra các sản phẩm giá trị cao, không chỉ cho hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau. Để cho lò gốm của Bồ Bát không bao giờ tắt lửa.”
Tiếp lửa ông cha gìn giữ gốc nghề
Vẫn biết, tất cả mới chỉ là bắt đầu và còn rất khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng với những gì mà chàng nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang đã làm được, có thể nói gốm Bồ Bát đang dần hồi sinh. Uớc mơ của người dân Bạch Liên về những ngày đỏ lửa lò gốm nay đã trở thành hiện thực.
10 năm không dài cũng không ngắn, nhưng đó là mồ hôi, công sức của anh Phạm Văn Vang trong hành trình phục hồi nghề gốm đã thất truyền cả ngàn năm qua. Đến nay, nghề gốm Bồ Bát được hồi sinh, thương hiệu ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Vào năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012; đặc biệt năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.
Việc phục dựng làng nghề gốm Bồ Bát đã mang đến một sự khởi sắc cho đời sống của người dân nơi đây. Từ những ngày đầu mới phục dựng, trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, ngày nay gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường tiểu ngạch như Mỹ hay Nhật Bản thậm chi là cả các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng đã đề nghị về việc sản xuất độc quyền sản phẩm. Vấn đề này vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn cho gốm Bồ Bát về việc vẫn giữ được bản sắc riêng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, không bị mai một hay hoà tan.
Bồ Bát ngàn năm trước từng “trên bến dưới thuyền”, qua bao thời gian, các dòng sông bồi lấp, dấu tích xưa cũng không còn còn nguyên nguyên vẹn.Vì vậy, những nỗ lực phục dựng lại nghề gốm cổ truyền của anh Phạm Văn Vang là vô cùng đáng quý, không chỉ tạo việc làm cho người dân trong vùng mà còn hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính. Tin rằng với sức trẻ, niềm đam mê và sáng tạo, Vang sẽ còn giúp gốm Bồ Bát đi xa hơn nữa, đất ngủ suốt ngàn năm sẽ thức dậy, sáng lòa.