Hành trình 18 năm đến trường của cha con thí sinh bị câm điếc

Người cha 44 tuổi ở Sài Gòn đã cùng cô con gái bị câm điếc bẩm sinh bước vào "trận chung kết" của hành trình hơn 18 năm gian khổ.
Trần Lê Khả Ái và cha trao đổi sau giờ thi Vật lý chiều 2/7. Ảnh: Mạnh Tùng/VnExpress

Chiều 2/7, sau cơn mưa nặng hạt giữa mùa hè ở Sài Gòn, ông Trần Khương (ngụ quận 12) đứng trước cổng trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3) ngóng con gái thi xong môn Vật lý kỳ thi THPT Quốc gia.

Gặp con, người cha nắm chặt lấy tay và vui vẻ chuyện trò. Trần Lê Khả Ái - con gái ông Khương -  nở nụ cười chúm chím, nói bằng giọng ngọng nghịu nhưng đủ để hiểu được: "Con cũng làm được".

Gần 20 năm trước, ông Khương rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp và hai năm sau, vợ chồng ông chào đón con gái đầu lòng. Trong niềm vui sướng và đầy mơ ước, ông đặt tên con là Khả Ái.

Song, khi Khả Ái lên hai tuổi, ông Khương thất thần khi biết con gái không nghe được gì, đồng nghĩa với việc tập nói của em cũng không thực hiện được. Nhiều người khuyên ông Khương đưa con đến học trường chuyên biệt nhưng ông nhất quyết không chịu.

May mắn đến với gia đình ông khi có chương trình hỗ trợ thiết bị trợ thính từ một nước tiên tiến cho Việt Nam. Ông bán xe máy, vay mượn đủ nơi để có 5 cây vàng mua máy trợ thính cho con. Từ đó, bé Khả Ái đã nghe được những âm thanh đầu tiên trong cuộc đời, dù sự cảm nhận đó rất yếu ớt.

Vợ chồng ông Khương đã kiên nhẫn dạy cho con từng câu chữ để bé quen được với khẩu hình. "Hai vợ chồng làm công nhân nhưng chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian dạy con. Rất mệt nhọc nhưng khi con bập bẹ được những từ đầu tiên trong đời, tôi vui sướng lắm", ông Khương kể lại.

Những ngày Khả Ái vào mẫu giáo cũng là quãng thời gian vất vả của hai vợ chồng khi giúp con hòa nhập với môi trường mới. Muốn cho con hiểu mỗi món đồ vật hay cảnh vật xung quanh họ mất hàng giờ để dạy, giải thích.

Khả Ái trước giờ bước vào phòng thi. Ảnh: Mạnh Tùng/VnExpress

Vào cấp một, bé Ái vẫn học lớp bình thường như bao đứa trẻ khác. Những môn học như tiếng đọc, tập viết, ông Khương xin cô giáo được đứng ngoài lớp "dự thính" để tối về dạy lại. Cô bé vẫn học khá tốt, đều đặn qua từng lớp.

Đến cấp hai, việc học của Khả Ái gian nan hơn khi có đến hàng chục giáo viên bộ môn, đồng nghĩa với việc em phải thích nghi với hàng chục giọng nói khác nhau. Văn là môn học cô bé yếu nhất vì nghe không tốt, tiếp thu chậm dẫn đến sự yếu ớt trong cách diễn đạt khi làm bài. Nỗ lực và kiên trì, cô gái vẫn đạt kết quả học tập khá tốt.

Ngày thi vào lớp 10 ở thành phố, Khả Ái vẫn tham gia nhưng lại thiếu 1 điểm để vào trường công lập. Cô gái được nhận vào học tại trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp) và đều lên lớp với học lực khá.

Trước kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Khả Ái đã được một trường đại học ở TP HCM trao học bổng toàn phần trong suốt khóa học Thiết kế thời trang. Nhiệm vụ của nữ sinh này là phải vượt qua các môn thi để đủ điểm tốt nghiệp.

"Cả tháng rồi, Khả Ái rất chăm chỉ dậy sớm ôn bài. Cách dậy sớm của bé là cầm chặt điện thoại cài báo thức, để chế độ rung", ông Khương xúc động kể. Người cha tự hào nói về ước mơ của con gái. "Khả Ái rất thích thiết kế thời trang. Bé vẽ và viết chữ đẹp lắm".

Người cha và cô con gái đã đồng hành bên nhau hơn 18 năm để đến ngày bước vào kỳ thi quan trọng trong đời. Ảnh: Mạnh Tùng/VnExpress

Kỳ thi năm nay, Khả Ái thi ba môn bắt buộc cùng một môn tự chọn là Vật lý để xét tốt nghiệp, đồng thời thi thêm môn Hóa để thử sức với đợt xét tuyển đại học. "Môn Toán, Vật lý và Anh văn, em làm bài ở mức trung bình. Môn Văn làm em lo lắng nhất vì sợ bị điểm liệt", Khả Ái tâm sự bằng giọng không tròn trịa. Trên khuôn mặt sáng sủa, đáng yêu của nữ sinh khuyết tật này - đúng như tên Khả Ái - luôn hiện lên niềm lạc quan.

Theo Theo VnExpress