Hạnh phúc đơn giản là hiểu được nhau!

TP - Đội sinh viên tình nguyện làm công tác xã hội của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã được thành lập, với mong muốn tìm lại cho những đôi mắt đã mất đi ánh sáng, số phận của những người phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS… tìm lại niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống…

Đội sinh viên tình nguyện  làm công tác xã hội là tổ chức do những sinh viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thành lập (bao gồm các khoa: Xã hội học, Khoa học quản lý, Công tác xã hội, Ngôn ngữ, Tâm lý học…), tiền thân là đội tham vấn và hỗ trợ trẻ em - một nhánh của đường dây tư vấn, giúp đỡ trẻ em lang thang do Ủy ban DS-GĐ&TE sáng lập năm 2005.

Đến đầu tháng 9/2007, những thành viên nòng cốt trong đội đã quyết định tách ra thành một tổ chức hoạt động độc lập với cái tên Đội sinh viên tình nguyện làm công tác xã hội (gọi tắt là Đội công tác xã hội).

Đội trưởng Nguyễn Trung Kiên tâm sự: “Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã có lớp đào tạo chuyên ngành công tác xã hội (CTXH), nhưng ở nước ta CTXH chưa được công nhận là nghề nên nhiều khi sinh viên được đào tạo, ra trường phải làm việc trái nghề, vì thế mình nghĩ tại sao lại không thành lập một tổ chức để sinh viên ngành CTXH và những người yêu thích công việc này cùng hoạt động…”.

Kiên đã đem ý tưởng đó chia sẻ với những người bạn thân và sau bao nhiêu khó khăn, vất vả cuối cùng Đội công tác xã hội cũng ra đời. Không dừng lại ở việc giúp đỡ trẻ em lang thang, Đội còn mở rộng hoạt động hướng tới nhiều đối tượng xã hội cần được giúp đỡ khác.

Với tiêu chí đó, Đội được chia thành 3 nhóm, hoạt động thường xuyên tại ba cơ sở là: Chi hội người khiếm thị Hà Tây (56 Tô Hiệu), Chi hội người khiếm thính (21 Lạc Trung, Hà Nội) và nhóm Hoa Hướng Dương (tổ chức của phụ nữ bị lây nhiễm HIV) tại số 5/180 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội.

Khi được hỏi về lý do tham gia Đội, Hồ Thu Hằng - thành viên trong nhóm khiếm thính nói: “Trước hết mình tham gia với mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật, những người kém may mắn, sau là muốn vận dụng kiến thức mà mình có được vào công việc thực tế”. Tất cả thành viên trong đội đều có chung suy nghĩ như vậy.

Từ khi thành lập đến nay, chỉ trong thời gian ngắn nhưng Đội đã tổ chức được những hoạt động như: Vận động quyên góp hỗ trợ trẻ em khiếm thị tại hai trường ĐH KHXH&NV và ĐHKHTN Hà Nội, tổ chức đêm Trung thu cho các em khiếm thị tại công viên Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Tây), tổ chức tặng quà cho các em khiếm thị... Hằng tuần, các thành viên trong Đội đều đến các cơ sở giúp các em học tập, đọc sách, thâu băng cho các em nghe và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tập thể...

Trở về sau buổi sinh hoạt với những người khiếm thính, một thành viên trong đội xúc động kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình: “Đến đây, mình mới phát hiện ra có nhiều gia đình cùng tham gia CLB những người khiếm thính.

Cả đội cũng được nói chuyện với một gia đình như thế. Tuy chỉ có người mẹ bị khiếm thính nhưng cả bố và con gái (mới học lớp 7) đều cực kỳ giỏi ký hiệu.

Chợt nhận ra thế nào là tình cảm yêu thương gia đình khi tất cả đều cố gắng để xóa tan đi cái rào cản ngôn ngữ kia. Và ai cũng nhận thấy một điều, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là hiểu được người khác và được người khác hiểu những gì mình nghĩ mà thôi…”.

Đội sinh viên tình nguyện làm CTXH mới thành lập nên hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vấn đề về kinh phí. Tuy nhiên, nếu như phần lớn các tổ chức sinh viên khác chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ xin từ bên ngoài, thì Đội còn có nhiều hoạt động kinh doanh khác như: bán sách, bán hàng… để đóng góp thêm vào nguồn kinh phí, thậm chí nhiều thành viên trong Đội còn tự nguyện bỏ tiền túi của mình ra để ủng hộ, đóng góp vào quỹ chung của cả đội.

Với mục đích cùng nhau góp sức giúp đỡ những người không may mắn, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội và giúp các thành viên trau dồi kỹ năng sống và làm việc theo chuyên ngành xã hội, những thành viên trong Đội công tác  xã hội đã khơi dậy niềm vui sống và sống có ích ở chính những con người bất hạnh như thế.

 Như lời của Đội trưởng Nguyễn Trung Kiên bộc bạch với chúng tôi: “Cũng không dám nói là sẽ làm được những điều to tát, nhưng chúng mình hy vọng những hoạt động của Đội sẽ giúp mọi người mở rộng lòng nhân ái với nhau, xích lại gần nhau hơn và đặc biệt, có cái nhìn mới mẻ về những người làm CTXH, đó là nghề cao quý”.