Sức mua bật tăng
Trưa 21/1, phóng viên Tiền Phong khảo sát tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp). Các chủng loại hàng hóa rất đa dạng từ mứt bắp, kẹo dẻo, rau câu, mứt kiwi, mứt mãng cầu… đang có mức giảm giá hấp dẫn từ 48.000-65.000 đồng/kg, khách hàng xếp hàng dài chờ đến lượt lựa chọn. “Tôi tranh thủ đi siêu thị từ sớm nhưng vào đến nơi đã thấy đông khách. Hàng Tết niêm yết giá rõ ràng, lại có nhiều chương trình khuyến mãi nên mình yên tâm mua sắm”, chị Thu Hà (ngụ đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp) nói.
Tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (quận 1), các mặt hàng giò, chả, thực phẩm khô được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Không chỉ mua thực phẩm để dành Tết, anh Đỗ Văn Hòa (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) đặt luôn mâm cỗ với đủ các món gồm gà hấp, xôi gấc, chè trôi nước, canh khổ qua, trị giá hơn 300.000 đồng để cúng tất niên. “Mình chỉ cần hẹn ngày, siêu thị sẽ chế biến và giao tận nơi” - anh Hòa cho biết.
Theo đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam , hiện sức mua tại hệ thống tăng 50% so với năm ngoái và tăng 140% so với tuần trước. Riêng với khách hàng lẻ, sức mua tăng mạnh vì nhiều người tranh thủ sắm Tết sớm để về quê cũng như tránh tình trạng đông đúc vào cao điểm, bắt đầu từ tuần tới.
Trong khi đó, LOTTE Mart thống kê sơ bộ doanh thu trên toàn hệ thống đang tăng 45%, lượt khách đến mua sắm tăng gần 30% so với ngày thường và bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống này kỳ vọng với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn đang triển khai sẽ thúc đẩy sức mua, song song với việc bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ đẩy sức mua vượt Tết năm ngoái.
Đại diện Emart cho biết, hiện cao điểm mỗi ngày đạt khoảng 18.000 hóa đơn bán hàng, tăng mạnh so với các tháng trước. Theo đơn vị này, mức khuyến mãi lên đến 70% cho lượng lớn sản phẩm được kéo dài đến Tết nên sức mua khả năng còn tăng. Hiện Emart đã chuẩn bị đủ nguồn hàng sẵn cho 15 ngày cao điểm giáp Tết.
Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc AEON Tân Phú chia sẻ, theo ghi nhận, lượng khách tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị của AEON Việt Nam có tăng nhưng không đông như cùng kỳ những năm trước. Một phần do nhiều người đã về quê từ trước hoặc còn e ngại ra ngoài khi dịch bệnh ở một số nơi vẫn phức tạp. Tuy nhiên, giá trị giỏ hàng và số lượng sản phẩm trong một lần mua của khách hàng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Bình ổn thị trường, cam kết không tăng giá
Theo Sở Công Thương TPHCM, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... để người dân yên tâm mua sắm dịp Tết. Cụ thể, thịt heo phổ biến từ 100.000-180.000 đồng/kg tùy loại; thịt gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, gà ta 130.000 đồng/kg; trứng từ 28.000- 32.000 đồng/chục; giá rau củ giảm dần với hiện tại phổ biến 21.000-40.000 đồng/kg... “Chúng tôi có kế hoạch kiểm tra nguồn hàng và nắm lại kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa của các DN, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo làm sao có nguồn hàng cung ứng cho người dân thành phố trong dịp Tết đầy đủ và giá cả ổn định” - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho hay.
Kỳ vọng cuối năm
Tại nhiều chợ truyền thống như An Đông, Bình Tây, Tân Định, Bà Chiểu… khách đến chợ tuy không đông bằng Tết Nguyên đán trước, nhưng các tiểu thương cho hay, họ đẩy mạnh kênh bán hàng online. Vừa kiểm tra gần cả trăm ký mứt các loại vừa nhập, vừa liên tục nghe điện thoại để báo giá, nhận đơn hàng khách đặt, chị Ánh (quầy hàng bánh kẹo Ngọc Ánh) ở chợ Bình Tây cho biết: “Trước đây bạn hàng đến tận nơi mua nhưng giờ dịch, đi lại khó khăn nên chủ yếu bán hàng qua mạng. Tôi kết nối Zalo, Facebook với khách để chào hàng và sẽ giao tận nơi sau khi “chốt đơn”. Trong nội thành thành phố thì mình có người giao, còn ở các tỉnh thì mình gửi nhà xe. Nhờ đó, bánh mứt Tết vẫn được tiêu thụ với số lượng khá, dù khách không đến mua sắm trực tiếp”.
Từ sau khi mở cửa trở lại, 3 chợ đầu mối tại TPHCM đã đạt gần 100% công suất. Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dự báo, cao điểm từ 22 đến 27 tháng Chạp, lượng hàng nhập chợ tăng mạnh so với ngày thường với khoảng 4.500-6.800 tấn hàng/đêm, trong đó trái cây chủ lực là bưởi, xoài, mãng cầu, thanh long với lượng mỗi loại khoảng 250-400 tấn/đêm. Từ 22 tháng chạp chợ sẽ hoạt động 24/24 giờ để hỗ trợ nhu cầu mua bán tăng cao.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, để kiểm tra ATTP Tết, thành phố thành lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành để giám sát các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm lớn như bánh mứt kẹo, xúc xích, giò, chả…; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.
Chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ, đã có gần 100% thương nhân kinh doanh rau củ, trái cây và 95% thương nhân kinh doanh thịt heo tham gia bán hàng. Sản lượng rau, thịt, trái cây… về chợ hiện đạt khoảng 95% so với dịp này năm trước, khoảng 2.200 tấn hàng/ngày đêm. “Giá cả các mặt hàng (kể cả thịt heo) tương đương hoặc giảm nhẹ so với cùng thời điểm Tết năm ngoái. Do thời điểm này nhiều bếp ăn, nhà trẻ chưa hoạt động trở lại, lưu thông giữa TPHCM và các tỉnh, thành cũng chưa mạnh nên nguồn hàng đủ để cung ứng từ nay đến Tết. Dự báo từ ngày 23 tháng Chạp, sức mua tại chợ mới thật sự bật lên”- ông Nguyễn Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt nhận định: “Riêng mặt hàng trứng năm nay rất dồi dào, đảm bảo không thiếu hàng, giá cả ổn định. Riêng trong 2 ngày 28 và 29 âm lịch, chương trình sẽ giảm giá thêm để hỗ trợ công nhân sắm tết muộn, cụ thể giá trứng gà sẽ giảm còn 2.600 đồng/quả, trứng vịt còn 3.200 đồng/quả”.