Hàng chục người khuyết tật sẽ bơ vơ?

TP - KS Trần Văn Tín, người được mệnh danh là “vua sáng chế điện tử”, người nuôi và đào tạo nghề cho cả trăm người khuyết tật ở Bình Dương đang đối mặt căn bệnh nan y. Anh cho biết: “Nỗi lo lớn nhất của anh lúc này là “lỡ có bề gì” thì không biết 50 “đứa con” khuyết tật của anh sẽ sống ra sao.

> Ông Tiến sĩ có 50 người con khuyết tật

Vua sáng chế

Hội chợ triển lãm quốc tế về thiết bị công nghệ chiếu sáng tại Trung tâm triển lãm Tân Bình, TPHCM có một gian hàng khiêm tốn nằm lẻ loi cuối dãy nhà giới thiệu sản phẩm đèn LED do thanh niên khuyết tật làm ra.

“Đây là lần đầu tiên mấy đứa con tôi dự triển lãm tại Trung tâm to lớn thế này… Suốt 5 năm qua, tôi sống trên giường bệnh…” - KS Trần Văn Tín, “vua sáng chế điện tử” Bình Dương ngày nào đang ngồi với vẻ mệt mỏi, tiều tụy.

Tóc của anh giờ thành gai tua tủa. Căn bệnh ung thư đại tràng “dương tính” đã bắt anh nằm viện xạ trị mấy lần. Anh gượng dậy chống chọi với những cơn đau.

Trần Văn Tín sinh năm 1966, tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, trong một gia đình như cách nói của người miền Trung là “nghèo rớt mồng tơi”.

Từ nhỏ, cậu học trò nghèo đất Quảng hiếu học đã biết bán dạo trà đá, phụ sửa chữa ở tiệm điện tử Hòa Cường (Đà Nẵng) để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1987, Tín thi đỗ thủ khoa Trường Đại học Bách khoa TPHCM với 29,5 điểm và được cấp học bổng du học Đại học Kiev- Ukraina (Liên Xô cũ) chuyên ngành máy tính điện tử.

Năm 1995, trở về nước với tấm bằng đỏ, anh từ chối nhiều lời mời làm việc tại những nơi danh giá. Thời đó, tin học và điện tử vẫn còn xa lạ nên Trần Văn Tín khởi nghiệp từ khu chợ trời Nhựt Tảo, Kim Biên (quận 10) bằng nghề sửa chữa điện thoại.

Một buổi làm mướn, một buổi chạy vào bệnh viện Chợ Rẫy nuôi mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo và em gái nhiễm chất độc da cam nằm tại nhà.

Một câu hỏi ám ảnh “Không nuôi nổi thân, thì lấy đâu nuôi gia đình?”. May thay, anh Lộc- Bí thư tỉnh Đoàn Bình Dương khi ấy cho Tín mượn sổ đỏ và một số anh em doanh nghiệp trẻ chung tay giúp để Tín cho ra đời Cty Tư vấn công nghiệp điện tử (ICE VN) vào năm 2004.

Tín dốc tâm vào nghiên cứu chế tạo những sản phẩm độc đáo. Đầu tiên là bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động (được một Cty ở Malaysia mua bản quyền 24.000 USD).

Rồi bộ tiết kiệm xăng, bộ sạc pin theo xe gắn máy, đèn soi tiền giả… Với những sản phẩm đó, Trần Văn Tín đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp chứng nhận bằng sáng chế độc quyền.

Thắp lòng nhân ái

ICE VN sau đó được đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thanh Niên Việt Nam. Đây cũng là Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật VN trụ sở tại nhà Giám đốc Trần Văn Tín, KP3, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12, TPHCM.

Từng có trên 100 thanh thiếu niên tật nguyền từ nơi đây trưởng thành, về quê có thể tự kiếm sống, nay Cty còn 50 người.

Nghe chuyện của Tín nhiều người cảm phục khi biết anh từng từ chối mức lương 7.000 USD/tháng để lập công ty dạy nghề cho những mảnh đời bất hạnh.

Vợ anh, cô gái dân tộc ít người ở Đơn Dương, Lâm Đồng từng được vinh danh là phụ nữ doanh nhân thành đạt cũng hết lòng chung sức cùng chồng nuôi dạy nghề cho thanh niên khuyết tật.

Nhiều khi cuối tháng không còn tiền, Tín chạy mượn tạm tiền về nuôi “các con” chờ bán hàng trả nợ. Cũng từ khu nhà ở và làm việc đặc biệt này, đã có 5 cặp nên vợ chồng.

Buồn vui sau gần 10 năm dạy nghề cho hàng trăm người khuyết tật, Tín luôn trăn trở tìm cách để có những sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường, tạo nguồn thu nuôi và dạy TN khuyết tật. Có lần anh sang Campuchia tìm liên kết mở trường dạy nghề cho người khuyết tật.

Tiếng thơm xa bay, Tín từng được báo chí truyền hình đưa tin về “vua sáng chế điện tử”, Ông Tiến sĩ gàn… rồi các hãng Truyền hình CNN, Interfax (Nga) tìm đến đưa tin...Trung tâm dạy nghề Thanh niên khuyết tật được Trung ương Hội LHTN VN hỗ trợ tại quận 12 đang dang dở, Tín cầm cố tất cả giấy tờ nhà đất gia đình và vay mượn để vượt qua khó khăn.

Một tấm lòng nhân ái như ngọn lửa thắp sáng những mảnh đời khuyết tật đang cháy yếu đi từng ngày.

Tín cho biết, đã có một mạnh thường quân ở Hàn Quốc nhận giúp anh chữa trị bệnh… Nhưng anh vẫn trăn trở đêm ngày, không biết mình đi lo bệnh thì 50 “đứa con” mai này ra sao ?... Ngồi đối diện thấy anh không khóc, nhưng ánh nhìn của anh rất đau sau nụ cười gắng gượng.

Theo Báo giấy