Tên lửa phóng vệ tinh Chollima-1 trục trặc vì động cơ và hệ thống nhiên liệu mất ổn định, hãng thông tấn KCNA đưa tin.
Đây là vụ phóng vệ tinh lần thứ 6 của Triều Tiên kể từ năm 2016. Nhiệm vụ lần này là đưa vệ tinh do thám đầu tiên lên quỹ đạo.
Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết, lực lượng của họ đang tiến hành hoạt động trục vớt các bộ phận từ vụ phóng.
Quân đội Hàn Quốc chia sẻ một số bức ảnh bộ phận tên lửa và vệ tinh vớt từ dưới biển, trong đó có vật thể hình trụ kích thước lớn được buộc với phao.
George William Herbert, phó giáo sư công tác tại Trung tâm chống phổ biến vũ khí và là một chuyên gia về tên lửa, nói rằng những bức ảnh cho thấy vật thể đó là một bộ phận của tên lửa, bao gồm bộ phận khớp nối với tầng tên lửa khác.
Đó có thể là động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng, còn vật thể tròn màu nâu bên trong có thể là thùng đẩy cho nhiên liệu hoặc chất ô xy hóa.
Tên lửa rơi xuống biển “sau khi mất lực đẩy vì động cơ tầng hai khởi động bất thường", KCNA cho biết.
Theo bản tin, Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia (NADA) sẽ điều tra “sai sót nghiêm trọng” và có biện pháp khắc phục trước khi triển khai vụ phóng lần thứ hai càng sớm càng tốt.
Lee Choon Geun, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách khoa học công nghệ Hàn Quốc, cho biết lần này là cơ hội hiếm để Hàn Quốc thu được bộ phận tên lửa Triều Tiên, có thể cả vệ tinh.
Triều Tiên trước đó thông báo sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên trong thời gian từ ngày 31/5-11/6, nhằm tăng cường năng lực giám sát hoạt động quân sự của Mỹ.
Các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa có cuộc trao đổi qua điện thoại và “lên án mạnh mẽ vụ phóng”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Một quan chức làm việc tại văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh nữa trước ngày 11/6, trước khi kết thúc giai đoạn 12 ngày mà Bình Nhưỡng đã báo cáo Tổ chức Hàng hải quốc tế.