Trang mạng Defense News mới đây dẫn thông tin từ Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA) cho biết, nước này sẽ chi 3,9 nghìn tỷ won (hơn 2,9 tỷ USD) để mua thêm 20 chiếc F-35A. Tờ Japan Times cho biết chương trình mua sắm mới dự kiến bắt đầu vào năm 2023 và hoàn tất vào năm 2028.
DAPA tuyên bố kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35A phù hợp với “khái niệm tác chiến tương lai” của Hàn Quốc và sẽ giúp giảm thiểu “khoảng trống về năng lực phòng thủ” vốn có thể xuất hiện một khi các máy bay tiêm kích già cỗi bị loại biên.
Theo Defense News, đây là một phần trong dự án mang mật danh F-X của Chính phủ Hàn Quốc nhằm trang bị các máy bay tiêm kích thế hệ tiếp theo cho lực lượng không quân nước này (ROKAF). Yonhap cho biết kể từ năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy dự án F-X để thay thế các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 3 F-4 và F-5 già cỗi vốn được đưa vào sử dụng từ thập niên 1960.
Theo Japan Times, hồi tháng 9/2014, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận trị giá 7,3 nghìn tỷ won (hơn 5,5 tỷ USD) để mua 40 chiếc F-35A cho ROKAF. Tới cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố tất cả 40 chiếc F-35A này đã được đưa vào trực chiến.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định ROKAF sẽ tận dụng “mọi năng lực tàng hình và tấn công chính xác” của các máy bay tiêm kích F-35A “để đạt được những thắng lợi chiến lược vượt trội”. Với chương trình mua sắm mới, đến năm 2028, ROKAF sẽ sở hữu tổng cộng 60 chiếc F-35A.
F-35A là phiên bản phổ biến nhất của máy bay tiêm kích F-35, do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, vốn được quảng cáo là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, là “loại máy bay có mức giá hợp lý nhất, có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”.
Japan Times cho rằng việc sở hữu các máy bay tiêm kích tàng hình như F-35A có thể đem lại “ưu thế chiến lược” cho Hàn Quốc và ngày càng trở nên quan trọng với Seoul xét tới bối cảnh an ninh trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay. DAPA tuyên bố kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35A “bổ sung một tài sản cốt lõi” cho Chương trình Kill Chain (tạm dịch: Chuỗi tiêu diệt)-chương trình tấn công phủ đầu của Hàn Quốc trong tình huống khẩn cấp-nhằm chặn đứng các mối đe dọa từ mọi hướng.
Defense News dẫn lời nghị sĩ Daesik Kang thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của Hàn Quốc đánh giá chương trình mua sắm mới của chính phủ là “phù hợp”. Theo nghị sĩ Daesik Kang, việc gia tăng năng lực răn đe cho ROKAF “trở nên cấp bách” khi “sự thiếu hụt sức mạnh không quân của ROKAF dự kiến sẽ xảy ra vào giữa thập niên 2020”.
Yonhap lưu ý rằng trong vài năm qua, những nỗ lực mua sắm các máy bay tiêm kích tàng hình mới cho ROKAF “hầu như không có kết quả” khi chính phủ tiền nhiệm chủ trương thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều. Kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35A được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đang nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đối phó với những gì mà Seoul gọi là “mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng gia tăng” từ Triều Tiên.
Không lâu sau khi công bố kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35A, DAPA thông báo máy bay tiêm kích nội địa KF-21 của Hàn Quốc đã bay thử nghiệm thành công lần đầu tiên sau hơn 6 năm nghiên cứu và phát triển. DAPA nhấn mạnh sự kiện này đánh dấu Hàn Quốc “đang trên đường” trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới tự phát triển thành công các máy bay tiêm kích siêu thanh.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ca ngợi cuộc thử nghiệm là “kỳ tích trong quá trình theo đuổi năng lực tự vệ của đất nước”. Theo Yonhap, dự án KF-21 trị giá 8,8 nghìn tỷ won (hơn 6,6 tỷ USD) cũng nhằm thay thế các máy bay tiêm kích F-4 và F-5 già cỗi. CNNcho biết đến năm 2030, ROKAF dự kiến được bàn giao 120 chiếc KF-21. Một khi đi vào hoạt động, KF-21 dự kiến được trang bị các tên lửa không đối không và không đối đất, thậm chí cả tên lửa hành trình.
“Khi ấy, không quân Hàn Quốc sẽ có cả máy bay F-35A dùng cho các chiến dịch tấn công và máy bay KF-21 dùng cho các chiến dịch phòng không. Điều này cho phép khai thác tốt F-35A vốn được tối ưu hóa cho việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất trong khi KF-21 được tối ưu hóa cho các sứ mệnh không đối không”, CNN dẫn lời chuyên gia Peter Layton thuộc Viện nghiên cứu Griffith Asia Institute (Australia).