Talisman Sabre là chương trình huấn luyện song phương quy mô lớn nhất giữa Mỹ và Úc, diễn ra định kỳ 2 năm. Chiến dịch năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 7, nhưng sẽ giảm một nửa quy mô vì đại dịch.
Khoảng 17.000 quân nhân sẽ tham dự cuộc tập trận, với 2.000 lính nước ngoài được đưa đến Úc và phải cách ly 14 ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Úc cho biết.
Hải quân Hàn Quốc sẽ cử 200 binh lính và tàu khu trục 4.400 tấn đến tham gia, Yonhap đưa tin.
“Chúng tôi sẽ tham gia đợt tập trận năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, với mục tiêu cải thiện năng lực triển khai hoạt động phối hợp”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seun-chan nói với báo chí. Năm 2019, Hàn Quốc tham gia với tư cách quan sát viên.
Binh lính các nước New Zealand, Canada, Anh và Nhật Bản cũng sẽ được cử đến tham gia tập trận, trong khi Pháp, Ấn Độ và Indonesia tham dự với tư cách quan sát viên.
Mục đích của chương trình tập trận Talisman Sabre là kiểm tra năng lực phối hợp của lực lượng quốc phòng Úc và Mỹ trong “hoạch định và tiến hành các hoạt động phối hợp và liên hợp, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác giữa lực lượng Mỹ và Úc”, Bộ Quốc phòng Úc cho biết.
Năm nay là lần thứ chín Talisman Sabre được tổ chức, sẽ bao gồm các hoạt động diễn tập thực địa như chuẩn bị lực lượng hậu cần, tấn công đổ bộ, phối hợp của lực lượng mặt đất, tác chiến ở khu vực đô thị, các hoạt động phối hợp trên không và trên biển.
Mâu thuẫn và lưỡng lự
Chương trình tập trận Talisman Sabre được khẳng định là không nhằm vào quốc gia cụ thể nào, nhưng giới quan sát vẫn coi là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không bình luận về khía cạnh này. “Quan điểm của chúng tôi (về bản chất của cuộc tập trận) là rõ ràng. Nó không nhằm vào quốc gia cụ thể nào và chúng tôi tham gia để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động phối hợp”, ông Boo nói.
Ông Choi Kang, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan, cho rằng việc Seoul tham gia cuộc tập trận có thể khiến Bắc Kinh nhíu mày. Nhưng nhà nghiên cứu này cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng gay gắt, khác với hồi trả đũa Hàn Quốc bằng kinh tế khi Seoul đồng ý để Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD đến nước này năm 2017. Sự đáp trả đó làm gia tăng tư tưởng bài Trung Quốc trong dư luận Hàn Quốc.
“Trung Quốc không muốn xa lánh Hàn Quốc thêm nữa”, ông Choi nói với báo SCMP.
Thông tin Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chuyến thăm Mỹ và cùng Tổng thống Joe Biden ra tuyên bố chung phản đối tất cả các hoạt động “đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, và cam kết “duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao trùm, mở và tự do”.
Hai bên cũng đồng ý duy trì “tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và xa hơn nữa”, đồng thời nhấn mạnh “tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Đó là lần đầu tiên vấn đề Đài Loan được đề cập trong một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn.
Khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ “quan ngại” về tuyên bố chung, nhấn mạnh Đài Loan “đơn thuần” là vấn đề nội bộ của nước này và cảnh báo các lực lượng bên ngoài chớ can thiệp vào công việc thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Triệu còn nói rằng các nước được hưởng quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế, vì thế không có lý do gì để xung đột vì vấn đề này.
Dù Washington và Seoul thể hiện một quan điểm thống nhất trong những vấn đề quốc tế liên quan đến Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng tuyên bố chung nói trên không hẳn là dấu hiệu cho thấy Seoul hoàn toàn ủng hộ lập trường của Mỹ về việc chống lại sự quyết liệt của Trung Quốc, cũng như điều mà Mỹ coi là thách thức đối với dân chủ và pháp quyền.
Vì thế, sau phản ứng của Bắc Kinh, phát ngôn viên Nhà Xanh nói rằng Seoul hiểu mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, và Hàn Quốc chỉ muốn bày tỏ quan điểm rằng sự ổn định ở khu vực nói chung có vai trò quan trọng với Hàn Quốc, đài KBS đưa tin.
Phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc khẳng định không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Seoul về mục tiêu theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược “hài hòa” với Trung Quốc.
Ông Lee Seong-hyon, chuyên gia từng công tác tại Viện Sejong Hàn Quốc, cho rằng tuyên bố chung Mỹ - Hàn khiến Seoul khó có thể khước từ đề xuất của Mỹ về việc tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre sắp tới.
“Hàn Quốc đang đối mặt với thế khó xử khi cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng. Phải làm sao nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc vì Đài Loan và Biển Đông? Đây là một trong những câu hỏi hóc búa mà Hàn Quốc phải suy nghĩ”, ông Lee nói.
Theo giới quan sát, sự mâu thuẫn và lưỡng lự của Hàn Quốc trong việc đưa ra một quan điểm rõ ràng sẽ vẫn hạn chế mức độ phối hợp với đồng minh Mỹ trong xử lý những thách thức đang nổi lên và quan ngại chung. Sự mâu thuẫn đó cũng có thể gây căng thẳng trong liên minh và khiến Bắc Kinh gây sức ép lên Seoul nhiều hơn.