Những loài vật khác, bao gồm: hươu cao cổ, trâu và linh dương cũng đang chết dần, và tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu có mưa trở lại.
Farawo nói: “Hầu như mọi loài động vật đều bị ảnh hưởng. Không chỉ có voi, loài động vật gây chú ý nhiều nhất trong quá trình tuần tra hoặc du lịch bằng xe hơi, mà cả một số loài chim cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chúng chỉ có thể sinh sản ở trên cây, nhưng những cây đó đã bị voi hạ gục.”
Nhiều động vật đang đi lang thang từ các công viên của Zimbabwe vào các cộng đồng dân cư gần đó để tìm kiếm thức ăn và nước uống. Cơ quan công viên cho biết 33 người đã chết vì chạm trán với động vật trong năm nay.
Cơ quan này cũng cho biết họ đã lên kế hoạch di chuyển 600 con voi, hai đàn sư tử và các động vật khác từ Khu bảo tồn Save Valley ở phía đông nam đến các công viên ít khắc nghiệt hơn. Một đàn chó hoang, 50 con trâu, 40 con hươu cao cổ và 2.000 con linh dương cũng sẽ được di dời, Farawo cho biết.
“Những con thú đã vượt quá khả năng chịu đựng sinh thái của chúng”, ông nói. “Nếu không được kiểm soát, các loài động vật sẽ đe dọa chính hệ sinh thái mà chúng đang dựa vào để sinh tồn.”
Ước tính Zimbabwe có khoảng 85.000 con voi, đứng thứ hai sau nước láng giềng lân cận Botswana với hơn 130.000 con.
Zimbabwe cho biết họ đang phải vật lộn để đối phó với số lượng voi hoang dã đang bùng nổ và muốn được phép bán kho ngà voi và xuất khẩu voi sống để quyên góp tiền bảo tồn, giảm bớt những vấn đề bế tắc trong các công viên bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Theo cơ quan công viên, Zimbabwe đã xuất khẩu 101 con voi từ năm 2016 đến năm nay, chủ yếu sang Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, gây quỹ hơn 3 triệu đô la cho các nỗ lực bảo tồn.